Chi tiết

Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu với sự nghiệp phát triển ngành dầu thực vật ở Việt Nam.

Tác giả: TS Lê Công Nông
Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu là cơ quan khoa học công nghệ trực thuộc Bộ Công Thương được thành lập ngày 17/7/1980, tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu - một đơn vị nghiên cứu khoa học chỉ gồm 2 bộ môn Nông sinh học và Hóa chế biến – Phân tích, trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Tháng 9/1981, Trung tâm thuộc sự quản lý của Liên hiệp các Xí nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Bộ Công nghiệp Thực phẩm. Từ tháng 01/1992, thực hiện chủ trương tổ chức, sắp xếp lại ngành Dầu thực vật Việt Nam, Bộ Công nghiệp nhẹ đã có định hướng phát triển Trung tâm để có đủ điều kiện đảm nhận những nhiệm quan trọng trong giai đoạn mới. Đến năm 2003, Trung tâm chính thức trở thành Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu.
Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu có chức năng nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, chuyển giao công nghệ và sản xuất - kinh doanh về ngành công nghiệp chế biến dầu và cây có dầu theo quy định của pháp luật phục vụ sản xuất và phát triển ngành nông công nghiệp của đất nước. Viện có đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo với 6 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 27 kỹ sư có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực dầu thực vật và cây có dầu. Hệ thống phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại và khá đầy đủ, phục vụ tốt công tác nghiên cứu và đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Viện đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh... góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sản xuất ngành dầu thực vật và ngành nông nghiệp Việt Nam trong 30 năm qua.
1. NHỮNG THÀNH TỰU VỀ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ĐA DẠNG PHÙ HỢP VỚI TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH DẦU THỰC VẬT VIỆT NAM
1.1. Nghiên cứu tuyển chọn giống cây có dầu
Nghiên cứu đa dạng hóa về các giống cây có dầu là một trong những thế mạnh của Viện và có nhiều đóng góp cho sản xuất trong những năm qua. Hầu hết các đề tài đã tập trung vào nghiên cứu các giống cây có dầu như lạc, đậu tương, dừa, vừng, hướng dương, cải dầu, dầu mè (Jatropha), cây tinh dầu, v.v.... Từ những tập đoàn quỹ gen cây có dầu với hàng trăm mẫu giống, sau nhiều năm nghiên cứu, Viện đã chọn lọc, lai tạo được nhiều giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt được Hội đồng KH & CN của Nhà nước công nhận là giống Quốc gia. Những giống  này đã góp phần không nhỏ vào việc mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của các cây có dầu, có thể nêu ra như sau:
Cây Lạc (Arachis hypogaea L.): Đã chọn tạo được 2 giống lạc VD1 và VD2 đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống quốc gia. Ba giống lạc VD5, VD6 và VD7 được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời. Các giống lạc VD cho năng suất hạt từ 3.000 – 4.000 kg/ha/vụ, thời gian sinh trưởng ngắn 90 - 95 ngày, thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở các tỉnh phía Nam. Các giống này hiện đang được trồng phổ biến trong sản xuất và nằm trong số 10 giống chủ lực có diện tích gieo trồng lớn nhất của cả nước (theo kết qủa điều tra của Bộ Nông nghiệp & PTNT).
Cây Vừng (Sesamum indicum L):  Đã tuyển chọn được giống vừng V6 cho năng suất 1.400 kg/ha, hàm lượng dầu cao (52-53%), thời gian sinh trưởng ngắn 75 - 80 ngày. Giống V6 được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tiến bộ kỹ thuật, hiện đang được trồng phổ biến ở nước ta.
Cây Đậu tương (Glycine max L): Đã tuyển chọn được 2 giống đậu tương VDN1 và VDN3, được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời. Các giống VDN cho năng suất bình quân 1.600 – 2.500 kg hạt/ha/vụ, thích hợp cho vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Cây Hướng Dương (Helianthus annuus L.):  Giống hướng dương Hysun 38 cho năng suất hạt 2.700 - 3.300 kg/ha/vụ, năng suất dầu 1.300 - 1.400 kg/ha, được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời, thích hợp cho vùng Nam Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.
Cây Cải dầu (Brassica napus L.): Tuyển chọn được 2 giống cải dầu 07821-1RA và  Hyola 61 cho năng suất hạt 1700-3000 kg/ha, năng suất dầu 700-1200 kg/ha, thích hợp trồng ở vùng Nam Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc (vụ Thu Đông). 
Cây Dừa (Cocos nucifera L.):  Chọn tạo được 3 giống dừa lai PB121, JVA1 và JVA2 cho năng suất 100 – 150 trái/cây/năm, hàm lượng dầu 65-67%, được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời. Bình tuyển các giống dừa Ta, Dâu, Giấy có năng suất cao phục vụ cho mục tiêu lấy dầu và chế biến các sản phẩm từ dừa; Các giống dừa Xiêm, Tam Quan, Ẻo cho mục tiêu uống nước và xuất khẩu, được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời. Đặc biệt hai Giống dừa có giá trị kinh tế cao: Dừa Dứa và Dừa sáp (Đặc ruột), được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời. Ngân hàng gen cây dừa gồm 51 mẫu giống dừa được thu thập trong và ngoài nước, đã được IPGRI đưa vào danh mục các giống dừa quốc tế.
Cây Dầu mè (Jatropha curcas L.): Một đặc điểm nổi bật về công tác nghiên cứu khoa học của Viện  là các đề tài không những tập trung vào việc phát triển nguyên liệu cây có dầu phục vụ cho mục đích thực phẩm, mà còn chú ý đến những cây có dầu phục vụ cho mục đích làm nhiên liệu trong chương trình năng lượng xanh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường như đề tài “Nghiên cứu khả năng thích nghi của các giống cây có dầu mới sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất Biodiesel”, hay đề tài “Nghiên cứu phát triển cây Jatropha sử dụng làm nguyên liệu sản xuất dầu Biodiesel”... Tập đoàn cây Jatropha gồm 41 giống đang được đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất hạt, năng suất dầu và hiệu quả kinh tế. Các giống Dầu mè (Jatropha) có hàm lượng dầu trung bình từ 31 – 37 %, thích hợp để làm nguyên liệu sản xuất dầu sinh học Biodiesel.
Song song với việc chọn tạo ra các giống cây có dầu mới thì lĩnh vực Công nghệ sinh học và chế biến cũng đã phối hợp và tập trung nghiên cứu công nghệ nuôi cấy phôi dừa và cấy mô thực vật và đã nhân giống dừa Sáp bằng nuôi cấy phôi thành công đã cung cấp cho sản xuất hàng nghìn cây giống dừa Sáp. Kết quả trồng thử nghiệm ở Trung tâm sản xuất Giống Trảng Bàng – Tây Ninh từ năm 2004 đến 2009 đã cho kết quả tốt với trên 75% số trái trên buồng đặc ruột, trong khi đó vùng sản xuất dừa Sáp tập trung ở Huyện Cầu Kè – Trà Vinh chỉ đạt 25% số trái trên buồng đặc ruột, kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với các nghiên cứu ở Philippine, Indonexia và Malaixia về nuôi cấy phôi dừa Sáp, mở ra một triển vọng mới về phát triển dừa Sáp bằng nuôi cấy phôi tại Việt nam góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng dừa.
1.2. Kỹ thuật thâm canh và mô hình trồng các loại cây có dầu
Nhiều quy trình kỹ thuật cũng đã được chính thức công nhận và cho phép ứng dụng rộng rãi trong sản xuất như:
         - Quy trình thâm canh cây lạc đạt năng suất cao và ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lạc.
         - Quy trình thâm canh cây vừng đạt năng suất cao.
         - Quy trình thâm canh cây đậu tương đạt năng suất cao.
         - Quy trình thâm canh cho cây hướng dương.
         - Quy trình nhân giống dừa Đặc ruột bằng phương pháp nuôi cấy phôi.
         - Quy trình kỹ thuật nâng cao tỉ lệ nẩy mầm của trái dừa Dứa.
         - Các quy trình thâm canh, nuôi trồng xen trong vườn dừa đạt hiệu quả kinh tế cao.
          Ngoài ra, thông qua dự án “Thay thế phân bón hóa học N bằng chế phẩm vi sinh cố định đạm cho cây họ đậu tại Việt Nam để tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường” Viện đã sản xuất phân vi sinh cố định đạm cung cấp cho nông dân sản xuất các tỉnh miền Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung sử dụng trong sản xuất lạc, đậu tương có hiệu quả kinh tế cao.
1.3. Chế biến các sản phẩm từ dầu và cây có dầu
Trong giai đoạn 1996- 2000, Viện đã chuyển mạnh sang nghiên cứu các công nghệ chế biến dầu thực vật, đồng thời, tập trung nghiên cứu phát triển nguyên liệu (hạt có dầu, cây tinh dầu). Trong giai đoạn này, nhiều đề tài như: Chất lượng dầu béo Việt Nam, độc tố Aflatoxin trong lạc và dầu lạc, nghiên cứu sản xuất dầu bôi trơn khuôn đúc thép bằng hỗn hợp dầu thực vật, sản xuất dầu phanh ô tô từ dầu thầu dầu, nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ quả điều (rượu điều, mứt điều…), từ dừa (thạch dừa, sữa dừa), quy trình sản xuất dầu dừa tinh khiết (VCO), tinh chế 1,8 - Cineol từ dầu tràm thô và sản xuất tinh dầu gừng để làm thuốc ho... đã được triển khai đạt nhiều kết quả tốt phục vụ cho nhu cầu sản xuất.
Trong chương trình hợp tác song phương theo Nghị định thư giữa hai chính phủ Việt Nam và Đức, Viện đã xây dựng một đề tài nghiên cứu: ”Nghiên cứu phát triển Jatropha để chế biến nhiên liệu sinh học tại Việt Nam giai đoạn 2009-2013”, hiện tại chương trình đã và đang triển khai, hợp tác được thực hiện với Trường Đại học Bochum – Đức để chế biến dầu Jatropha thành nhiên liệu sinh học. Đến nay phía Đức đã cung cấp cho Viện máy ép dầu thực vật đang đặt tại Trung tâm sản xuất giống Trảng Bàng – Tây Ninh và cử chuyên gia sang vận hành, ép thử dầu (có thể ép cho hạt cây Jatropha, lạc, đậu tương,....). Viện đã tiến hành ép dầu hạt Jatropha và pha 5% dùng để chạy thử máy bơm nước bước đầu cho kết quả rất tốt, mở ra triển vọng tốt về việc sử dụng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam.
Thực hiện Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt ”Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”, ngoài những đề tài, dự án do Bộ, Nhà nước đặt hàng, Viện đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu với các địa phương, đơn vị trong ngành dầu thực vật như: Sở KH&CN tỉnh Bến Tre; Sở KH&CN TP.HCM; Công ty Dầu thực vật Hương liệu Mỹ phẩm VOCARIMEX; Công ty Dầu thực vật Cái Lân và Công ty TNHH Chồi xanh…bước đầu đã thu được nhiều kết quả tốt trong mô hình liên kết 4 nhà ”Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nông”. Các đề tài: ”Hoàn thiện công nghệ bảo quản trái dừa tươi phục vụ xuất khẩu năm 2007-2008” và đề tài “Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ nước dừa già năm 2008-2009” hợp tác với Sở KHCN Bến Tre đã cho kết quả tốt, đề xuất được quy trình bảo quản trái dừa tươi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và bước đầu đã xuất khẩu thủ nghiệm sang Hàn Quốc và Nhật Bản đạt kết quả tốt, Viện đang từng bước hợp tác để chuyển giao cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các sản phẩm Probiotics và dấm dừa cũng đã được nghiên cứu thành công từ nước dừa già và giới thiệu cho sản xuất nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm từ cây dừa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, góp phần chăm sóc sức khỏe cho con người và động vật. Với những kết quả đạt được này đã góp phần không nhỏ vào việc làm gia tăng giá trị sản xuất của ngành sản xuất Dừa ở Việt Nam.
Ngoài ra các sản phẩm được chế biến từ dừa như dầu dừa tinh khiết (VCO), phomat dừa, bột sữa dừa, nước dừa lên men, rượu dừa; Các sản phẩm chế biến từ sản phẩm lạc như: dầu lạc tươi (VPO), phomat lạc, sữa lạc;  Các sản phẩm chế biến từ quả điều như: rượu vang, mứt điều, sirô, nước quả điều tươi ,v.v...đã được Viện nghiên cứu thành công và đang từng bước hoàn thiện công nghệ để chuyển giao cho sản xuất.
1.4. Các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ và sản xuất thực nghiệm
Ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho sản xuất, để khai thác tốt cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn lực cán bộ hiện có Viện đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ khác nhằm tạo nguồn thu để bù đắp chi phí cho hoạt động khoa học công nghệ và góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ nghiên cứu khoa học, khai thác có hiệu quả các thiết bị được nhà nước đầu tư như: 
- Phân tích chất lượng các sản phẩm và nguyên liệu dầu thực vật, tinh dầu phục vụ cho nghiên cứu khoa học, xây dựng tiêu chuẩn, quản lý ngành và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
          - Sản xuất và cung cấp các loại giống cây có dầu, cây tinh dầu, cây nhiên liệu sinh học phục vụ sản xuất nguyên liệu cho ngành dầu thực vật.
          - Tư vấn, đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng và chế biến cây có dầu.
          - Hợp tác liên kết trong lĩnh vực nghiên cứu, trồng, chế biến dầu và cây có dầu.
1.5. Hoạt động hợp tác quốc tế
Hợp tác Quốc tế của Viện ngày càng được tăng cường, mở rộng và đạt hiệu quả cao. Cụ thể gồm: Tham gia chương trình hợp tác giữa Việt Nam với Viện Quốc tế cây trồng cạn ICRISAT về cây lạc từ năm 1991 đã giúp Viện tuyển chọn có hiệu quả các giống lạc mới từ gần 300 giống nhập từ ICRISAT; Hợp tác với Viện Dầu cọ Malaysia PORIM (nay là MPOB), được thiết lập từ năm 1992, hàng năm đưa từ 1-2 cán bộ của Viện đi học tập kinh nghiệm về trồng, chế biến và phân tích các sản phẩm từ dầu cọ tại MPOB; Hợp tác với Viện Tài nguyên Di truyền Thực vật Quốc tế IPGRI (nay là Bioversity International) thiết lập được dự án nguồn gen cây dừa với tổ chức COGENT; Tham gia dự án “Nuôi cấy phôi dừa để nhân dòng và trao đổi giống dừa an toàn” do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Úc (ACIAR) tài trợ gồm 05 nước Úc, Philipinnes, Việt Nam, Papua New Guinea và Indonesia cùng tham gia trong 03 năm (từ 2003-2005)...
Trong thời gian qua, một số đề tài, dự án đã và đang thực hiện (giai đoạn 2006-2010) và những năm sau 2010 như: Đề tài “Chiến thắng đói nghèo tại các cộng đồng trồng dừa: Sử dụng tài nguyên di truyền cây dừa để mưu sinh bền vững ở Việt Nam”; Dự án “Thay thế phân bón hóa học N bằng chế phẩm vi sinh cố định đạm cho cây họ đậu tại Việt Nam để tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường”. Ngoài ra, trong khuôn khổ các Nghị định thư của Nhà nước Việt Nam với các nước, các nhiệm vụ “Phát triển công nghệ ứng dụng và đánh giá nguồn gen các cây có dầu” với Hàn Quốc cũng đã được thực hiện từ năm 2007-2009 với vốn đối ứng của Nhà nước Việt Nam là 1,3 tỷ đồng; Nhiệm vụ Hợp tác nghiên cứu với Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Ứng dụng Bochum - Cộng hoà Liên bang Đức về “Nghiên cứu phát triển cây Jatropha để chế biến nhiên liệu sinh học tại Việt Nam” đang được triển khai có hiệu quả.
2. ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN  TRONG GIAI ĐOẠN 2011-2015
Để đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ chiến lược quy hoạch phát triển ngành dầu thực vật Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2025 công tác nghiên cứu khoa học của Viện cần tập trung vào các lĩnh vực chính như sau:
1. Xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu, phát triển giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt, chú trọng nghiên cứu chọn tạo các giống lai có năng suất cao, giống kháng sâu bệnh hại, có chất lượng tốt, phù hợp với các vùng sinh thái, nhập khẩu các giống mới, ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác chọn tạo giống cây có dầu đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho ngành dầu thực vật và xuất khẩu, xác định đây là một trong những biện pháp quan trọng nhất để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến dầu thực vật trong nước từng bước thay thế nhập khẩu, giảm nhập siêu và góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Kết hợp với việc nghiên cứu các biện pháp canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ thực vật thích hợp, thân thiện với môi trường, xây dựng các mô hình thâm canh cây có dầu có năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
2. Đẩy mạnh sản xuất và thương mại hóa các giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt (dừa, vừng, lạc, đậu tương, jatropha....) phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu giống mang nhãn hiệu của Viện. Xây dựng những mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tại các địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa khoa học – công nghệ và kinh tế - xã hội nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, không ngừng nâng cao thu nhập cho người nông dân.
3. Đẩy mạnh các nghiên cứu chế biến dầu thực vật, đa dạng hóa các sản phẩm từ dầu và tinh dầu có giá trị kinh tế cao và đáp ứng nhu cầu đời sống hiện nay. Từng bước tạo ra những tiến bộ kỹ thuật mang tính thực tiễn cao, phối hợp với các doanh nghiệp và nông dân sản xuất để chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật, góp phần mở rộng diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
4. Sắp xếp lại tổ chức theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Hoàn thiện các quy chế thích hợp trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và sản xuất nhân giống nhằm khai thác tốt cơ sở vật chất hiện có và động viên khuyến khích cán bộ phát huy hết năng lực trong nghiên cứu và sản xuất nhân giống nhằm tăng nguồn thu góp phần nâng cao đời sống CBCNV và thực hiện tốt đề án chuyển đổi hình thức hoạt động của Viện theo cơ chế tự chủ tài chính - tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ đã được Bộ Công Thương phê duyệt. 
5. Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị cho nghiên cứu giống cây có dầu. Thành lập phòng thí nghiệm trung tâm đạt tiêu chuẩn khu vực và Quốc tế để kiểm định chất lượng sản phẩm dầu thực vật và phục vụ nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu, tiến tới thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng và phân tích dầu thực vật và các sản phẩm từ dầu.
6. Tăng cường tiềm lực KHCN, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và chuyển giao có trình độ cao nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra của thực tiễn sản xuất. Xây dựng chế độ đãi ngộ để thu hút cán bộ KHCN giỏi, thực hiện đào tạo và đào tạo lại và đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ hiện có.
7. Đẩy mạnh hợp tác với các Viện và cơ quan nghiên cứu khoa học, các phòng thí nghiệm trọng điểm cũng như các công ty, nhà máy có chủ trương đầu tư vùng nguyên liệu cây có dầu để phát triển diện tích, tăng năng suất và sản lượng nguyên liệu dầu thực vật, tăng cường nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ dầu thực vật và cây có dầu, tiêu chuẩn Hóa các sản phẩm dầu thực vật.
8. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế. Bên cạnh các hợp tác đã có, Viện đang mở rộng quan hệ và các nước như Đức, Ấn Độ để trao đổi giống, tiến bộ kỹ thuật mới, chuyên gia,... trong việc phát triển cây có dầu làm nguyên liệu chế biến biodiesel, với Úc trong chương trình Hợp tác Phát triển nông nghiệp nông thôn... nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ KHCN cũng như từng bước nâng cao vị thế của Viện trong khu vực và Quốc tế.
Trải qua 32 năm, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã từng bước trưởng thành, càng ngày càng được giao những nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là tập trung vào nghiên cứu phát triển nguyên liệu cây có dầu, chế biến một số sản phẩm từ cây có dầu từng bước đáp ứng cho ngành công nghiệp chế biến dầu thực vật Việt Nam theo quy hoạch phát triển ngành dầu thực vật đến năm 2020 tầm nhìn đến 2025 nhằm từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị Khoa học và Công nghệ công lập theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
 
 
 
 
Go to Top