Chi tiết

Tối ưu hóa quá trình chiết tách dầu mè bằng phương pháp enzyme

Tác giả: ThS. Bùi Thanh Bình, KS. Võ Bửu Lợi, KS. Hồ Thị Mai, KS. Bùi Thị Ngọc Thơm
Nghiên cứu này là một trong những kết quả của đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm một số phương pháp chiết xuất dầu mè giàu chất chống oxy hóa” được thực hiện theo trên cơ sở Hợp đồng Nghiên cứu Khoa học và Phát triển công nghệ số 181.13.RD/HĐ-KHCN ký ngày 24/4/2013 giữa Vụ Khoa học và Công nghệ -  Bộ Công Thương và Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu. Mục tiêu của nghiên cứu là tối ưu hóa quá trình chiết tách dầu mè bằng phương pháp enzyme để sản xuất dầu mè tươi, bảo tồn các hợp chất chống oxy hóa tự nhiên.
Do mỗi loại nguyên liệu hạt có dầu khác nhau đều có cấu tạo lớp vách tế bào khác nhau. Chính sự khác nhau này dẫn tới việc phải sử dụng các loại enzyme với thành phần và tỉ lệ riêng biệt để phá vỡ vách tế bào, giải phóng dầu. Việc lựa chọn loại enzyme cùng các điều kiện nhiệt độ, pH thích hợp để thủy phân, phá vỡ các vách tế bào của hạt mè, giúp quá trình giải phóng hạt dầu được dễ dàng, nhanh chóng, tăng hiệu suất trích dầu là mục đích của nghiên cứu này. Nghiên cứu khảo sát 3 loại enzyme (Alcalase 2.4L, Viscozyme cassava C, Viscozyme L) cùng với điều kiện nhiệt độ và pH khác nhau được sử dụng để chiết tách dầu mè.
Kết quả cho thấy enzyme Viscozyme L (hỗn hợp các enzyme cellulase, hemicellulasexylanase) cho hiệu suất chiết tách dầu cao hơn so với các Alcalase 2.4L (enzyme Protease) và Viscozyme cassava C (enzyme Cellulose). Các thông số tối ưu của quá trình chiết tách dầu mè như sau: tỉ lệ enzyme sử dụng so với nguyên liệu hạt mè là 1,52%, hạt được nghiền tới kích thước nhỏ hơn 1mm, tỉ lệ bột mè và dịch pH là 1:4, pH dịch trích 4,4, nhiệt độ xử lý 40oC trong thời gian 6 giờ. Hiệu suất chiết tách cao nhất đạt được là 92,03%.
Sản phẩm dầu mè tươi đạt tiêu chuẩn TCVN 6045: 1995 và Codex 210 cho dầu mè. Đặc biệt dầu mè tươi có hàm lượng các chất chống oxy hóa như sesamin, sesamolin, tocopherol với hàm lượng lần lượt là638; 306 và 33,8 mg/100g.

 
Go to Top