Chi tiết

Nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước (2001 – 2015)

1. Đề tài cấp nhà nước : Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong phát triển các cây có dầu ngắn ngày ở phía Nam (2003-2005). (mã số: KC.06.21.NN)
- Tổ chức đặt hàng : Bộ Khoa học & Công nghệ
- Thời gian thực hiện: 2003 – 2005 
- Kết quả ứng dụng : Nghiên cứu ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến trong thâm canh, phát triển cây có dầu ngắn ngày như: phủ nylon, cơ giới hoá khâu làm đất và thu hoạch, phát triển các giống cây có dầu mới năng suất cao, sử dụng chất điều hòa sinh trưởng để tăng năng suất lạc… được các tỉnh Tây Ninh, Long An, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Nai, TT-Huế đánh giá cao.
2. Dự án cấp nhà nước : “Hoàn thiện qui trình kỹ thuật sản xuất giống vừng mới V6 đạt năng suất cao, chất lượng tốt”. (mã số: KC.06.DA.13NN)
- Tổ chức đặt hàng : Bộ Khoa học & Công nghệ
- Thời gian thực hiện: năm 2003 – 2005 
- Kết quả ứng dụng : Đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật sản xuất giống vừng V6 năng suất cao, đã sản xuất được 700 tấn giống V6 cung cấp cho các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSC
3. Nhiệm vụ cấp nhà nước: Khai thác và phát triển nguồn gen cây dừa giai đoạn 2010 –2014.
- Tổ chức đặt hàng: Bộ Khoa học và Công nghệ
- Thời gian thực hiện: 01/2010 – 12/2014 
- Các kết quả đạt được:
Đã chăm sóc, cải tạo 06 ha dừa mẹ có nguồn gen quý (Sáp, Dứa, Ta) gồm 02 ha dừa Sáp, 02 ha dừa Dứa, 02 ha dừa Ta tại Trà Vinh và Bến Tre làm nguồn cung ứng giống cho việc khai thác và phát triển nguồn gen quý trên.
Vườn giống mẹ dừa Dứa 01 ha tại Trà Vinh sau 8 năm trồng cho năng suất 92,9 quả/cây/năm và tỷ lệ quả dừa sáp là 19%. Vườn giống dừa mẹ Sáp nuôi cấy phôi 01 ha tại Bến Tre sau 2 năm trồng cây sinh trưởng và phát triển tốt với công nghệ tưới nhỏ giọt.
Vườn giống mẹ dừa Dứa 01 ha tại Bến Tre sau 9 năm trồng cho năng suất 90,8 quả/ cây/ năm. Vườn giống mẹ dừa Dứa 01 ha tại Bến Tre sau 4 năm trồng tỷ lệ cây ra hoa rất thấp 1-2%, nguyên nhân là do thời gian trồng dừa Dứa rơi vào thời điểm cuối mua mưa, hệ thống tưới tiêu của Trung tâm đang trong giai đoạn cải tạo nên đã ảnh hưởng đến sự ra hoa của vườn dừa Dứa.
Vườn giống mẹ dừa Ta 02 ha ở thời kỳ kinh doanh đạt 74,5 quả/cây/ năm.
Đã xây dựng một hệ thống tưới nhỏ giọt qui mô 02 ha dừa Sáp nuôi cấy phôi tại trung tâm dừa Đồng Gò, tỉnh Bến Tre, góp phần chăm sóc cải tạo vườn dừa mẹ có nguồn gen quí trên.
Đã nghiên cứu cải tiến 03 qui trình công nghệ nhân giống các giống dừa có nguồn gen quý (Sáp, Dứa, Ta) làm cơ sở cho nhân giống phát triển nguồn gen trên. Các qui trình đã được hội đồng khoa học thông qua.
Qui trình  công nghệ nhân giống dừa  Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi cải tiến với tỷ lệ phần trăm đạt 47,3% và thời gian thực hiện 12-14 tháng cao hơn 10% và rút ngắn 1-2 tháng so với qui trình trước đây; với các kỷ thuật cải tiến như sau: quả Sáp ở 10-11 tháng tuổi, phôi nảy mầm ở môi trường Y3 có bổ sung 10 ppm BA, cây phôi tạo rễ ở môi trường Y3 có bổ sung 10ppm NAA, cây được làm thích nghi nhiệt độ ít nhất 6 ngày và thích nghi độ ẩm ít nhất 4 tuần.
Qui trình công nghệ nhân giống dừa Dứa với tỷ lệ nảy mầm và cây con xuất vườn đạt 69,3-70,3 %, cao hơn 10-20% so với qui trình trước đây.
Quy trình công nghệ nhân giống dừa Ta cải tiến với tỷ lệ nảy mầm 91,2% sau 105 ngày ươm, cao hơn 14-15% so với qui trình trước đây; với các kỷ thuật cải tiến như sau: quả dừa Ta ở 11 tháng tuổi, sau khi thu hoạch bảo quản nơi thoáng mát, có mái che 20 ngày, phủ lên vỏ quả 1 lớp bụi xơ dừa khi ươm.
Đã xây dựng 04 quy trình canh tác tổng hợp cho 03 giống dừa Sáp, Dứa, Ta cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Duyên Hải Nam Trung Bộ. Các qui trình đã được thông qua Hội đồng khoa học và được thực tế sản xuất áp dụng tại địa phương.
Đã sản xuất được 300 quả dừa Sáp, 10.260 cây dừa Ta, Dứa bằng qui trình kỹ thuật ươm giống và 400 cây dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi.
Đã đăng 01 bài khoa học giới thiệu giống dừa có nguồn gen quý (dừa Sáp) trên Tạp chí quốc tế thông tin về cây dừa COCOINFO số 20 No.2, 2013 của Hiệp hội dừa Châu Á- Thái Bình Dương (APCC) xuất bản.
Ngoài ra, Nhiệm vụ đã đăng bài báo khoa học giới thiệu giống dừa Sáp nuôi cấy phôi tại hội thảo “Cây dừa Việt Nam, giá trị và tiềm năng” năm 2014 do Hiệp hội dừa Việt Nam tổ chức.
4. Nhiệm vụ HTQT về KH&CN theo Nghị định thư với Úc: Nâng cao chất lượng phân bón vi sinh cố định đạm tự do và cộng sinh ở Việt Nam.
- Tổ chức đặt hàng: Bộ Khoa học và Công nghệ
- Thời gian thực hiện: 1/2011 – 12/2012 
- Các kết quả đạt được:
  • Than bùn ở Việt Nam có đặc tính lý hóa học rất khác nhau, đặc biệt về pH, hàm lượng hữu cơ, hàm lượng acid humic, mức độ phân giải chất hữu cơ, khả năng giữ nước của than bùn. Các đặc tính này có khả năng ảnh hưởng đến khả năng tồn tại trong chất than bùn của các chủng vi khuẩn Rhizobium và Azospirillum. Mức độ ảnh hưởng thì khác nhau, acid humic có thể là một nhân tố chính.
  • Các loại than bùn khác nhau ảnh hưởng đến khả năng tồn tại trên hạt của các chủng Rhizobium và Azospirillum. Than bùn có thể giúp cho Rhizobium và Azospirillum thích ứng hơn đối với ảnh hưởng của nhiệt độ và ẩm độ. Trehalose tích lũy trong tế bào vi khuẩn có thể là một trong các nhân tố giúp tế bào tăng khả năng tồn tại trên hạt và trong than bùn, và do đó có thể tăng hiệu quả cố định đạm cho cây.
  • Tổ hợp chủng Rhizobium VD-RS 1 với chủng Azospirillum VD-AS 1 và Rhizobium VD-RG 1 với chủng Azospirillum VD-AS 3 tồn tại trong than bùn và trên trên hạt tốt hơn các tổ hợp khác. Hai tổ hợp này được đề xuất cho chế phẩm đa chủng áp dụng trên cây đậu tương, lạc và lúa.
  • Qui trình sản xuất hai loại chế phẩm đa chủng đã được xác định bao gồm các thông số kỹ thuật của quá trình nhân giống, nhân sinh khối, tạo sản phẩm và bảo quản sản phẩm.
  • Hai mô hình sản xuất chế phẩm và các thông số sản xuất đi kèm đã được đề xuất để áp dụng cho các qui mô, điều kiện sản xuất khác nhau. Ở  quy mô sản xuất nhỏ mô hình sản xuất bằng vài nồi lên men nhỏ, đơn giản thì phù hợp hơn trong khi mô hình sản xuất gồm một nồi lên men lớn, điều chỉnh tự động phù hợp hơn đối với sản xuất công nghiệp.
  • Đã tiến hành sản xuất thử nghiệm trên hai mô hình sản xuất. Sản phẩm thu được hơn 1000 kg chế phẩm. Chất lượng chế phẩm đạt số lượng tế bào Rhizobium trung bình là 109 CFU/g và Azpspirillum 5X108 CFU/g. Chế phẩm bảo quản tốt ở nhiệt độ thường.
  • Chế phẩm đa chủng đã được thử nghiệm hiệu quả đối với sinh trưởng, năng suất trong điều kiện đồng ruộng đối với cây lúa, cây đậu tương và cây lạc tại 2 tỉnh An Giang và Đắc Nông. Kết quả cho thấy đối với cây lúa, áp dụng chế phẩm giảm 50% phân bón N trong khi giảm toàn bộ lượng phân bón N khi áp dụng cho cây đậu tương và cây lạc. Năng suất sinh khối và năng suất hạt tăng trong đa số các thí nghiệm.
  • Thí nghiệm trình diễn trên diện rộng hiệu quả của chế phẩm đa chủng ở hai tỉnh An Giang và Đắc Nông cho thấy chế phẩm đa chủng tăng năng suất trung bình cho lúa  là 9,4%, cho cây đậu tương là 20% và cho cây lạc là 16,6%.
  • Hai chủng Rhizobium VD-RS1 và VD-RG1 có thể tồn tại trong đất lúa và phát huy hiệu quả của nó trong vụ trồng cây họ đậu kế tiếp. Nghiên cứu này thực hiện trong hệ thống canh tác cây lúa- lúa- cây họ đậu. Tuy nhiên đây mới là kết quả bước đầu.
  • Nhiệm vụ hợp tác quốc tế đã thực sự mang lại hiệu quả về đào tạo để nâng cao kỹ năng nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu của Việt Nam, từng bước giúp cho cán bộ nghiên cứu tiếp cận, cùng nghiên cứu với các nhà khoa học ở nước ngoài bên cạnh các kết quả nghiên cứu cụ thể.
5. Nhiệm vụ HTQT về KH&CN theo Nghị định thư với Hoa Kỳ: Hợp tác nghiên cứu phân lập và chọn lọc các chủng vi tảo ở Việt Nam có các đặc tính thích hợp cho sản xuất dầu ăn quy mô lớn.
- Tổ chức đặt hàng: Bộ Khoa học và Công nghệ
- Thời gian thực hiện: 3/2014 – 9/2016  
- Các kết quả đạt được: - Đã xây dựng qui trình phân lập và chọn lọc các chủng vi tảo lipit từ các nguồn nước tự nhiên. Phương pháp chọn lọc các chủng vi tảo dựa vào phản ứng màu của thuốc thử Nile Red với lipit nội bào của vi tảo, xác định tín hiệu huỳnh quang và định lượng lipit.
- Đã phân lập và chọn lọc được 50 chủng vi tảo sinh tổng hợp lipit từ 86 mẫu nước ngọt, nước lợ và nước mặn thu thập ở nhiều địa điểm khác nhau thuộc 15 tỉnh thành bao gồm Quảng Ninh, Phú Yên, Đắk Nông, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau. Các chủng sinh lipit bao gồm 24 chủng vi tảo nước ngọt (ký hiệu N1 đến N24), 11 chủng vi tảo nước lợ (L1 đến L3; L6 đến L13) và 15 chủng vi tảo nước mặn (M1, M2 và M4 đến M16). Các chủng vi tảo nước ngọt và nước lợ có khả năng tích lũy lipit nội bào cao hơn các chủng vi tảo nước mặn.
- Đã sàng lọc được 20 chủng vi tảo vừa có khả năng tạo sinh khối cao vừa tích lũy lipit cao. Đặc trưng phân tử của 20 chủng vi tảo tiềm năng này đã được xác định và so sánh với các chủng vi tảo đã được công bố. Ngoại trừ 6 chủng có trình tự gen 18S rRNA tương tự với các chủng đã công bố, 14 chủng còn lại có khả năng là các chủng mới do nhiệm vụ này phát hiện được. Bộ 20 chủng vi tảo sinh khối và lipit cao thuộc 20 loài, 13 chi: Chlamydomonas, Poterioochromonas, Scenedesmus, Chlorella, Bracteacoccus, Pectinodesmus, Mychonastes, Raphidocelis, Dictyosphaerium, Coelastrella, Oocystidium, Nannochloris Picochlorum.
- Đã xác định được ảnh hưởng của nhiệt độ, ánh sáng, pH, độ mặn, N, P, K đến sinh trưởng và tích lũy lipit của 20 chủng vi tảo tiềm năng;
- Đã chọn lọc được 4 chủng vi tảo hướng sản xuất dầu ăn qui mô lớn: hàm lượng lipit cao (50%), tốc độ sản xuất sinh khối và lipit cao (0,3 g/l/ngày và 200 mg/l/ngày theo thứ tự), có thành phần axit béo phù hợp.
- Đã xây dựng được qui trình sản xuất dầu Vi tảo và dầu Vi tảo giàu dưỡng chất qui mô 6 lít/mẻ trong phòng thí nghiệm và qui mô 1600 lít/mẻ (gồm 32 đơn vị sản xuất sinh khối, mỗi đơn vị là 50 lít) trong điều kiện nuôi cấy ngoài trời. Tất cả các thông số kỹ thuật từ khâu nhân giống, sản xuất sinh khối đến trích ly dầu đã được xác định.
- Hai loại dầu: Dầu Vi tảo được chiết tách từ chủng Chlorella sp. N13 và Dầu Vi tảo giàu dưỡng chất từ chủng Scenedesmus sp N5 đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về dầu thực vật. Một loại có thành phần axit béo phù hợp cho dầu chịu được nhiệt độ cao và một loại dầu giàu axit béo không thay thế ALA (20%). Chất lượng dầu không thay đổi sau 3 tháng theo dõi.
- Đã công bố kết quả nghiên cứu trên một tạp chí quốc tế uy tín: “Isolation and Selection of Microbial Strains from Natural Water Resources in Viet Nam with Potential for Edible Oil Production” - Marine Drugs 2017, 15, 194; doi:10.3390/ md15070194.
- Nhóm nghiên cứu phía Việt Nam đã được đào tạo ngắn hạn tại Hoa Kỳ và tại Việt Nam về công nghệ sinh học vi tảo nói chung và về các phương pháp thu thập mẫu nước, phân lập, chọn lọc các chủng vi tảo dầu, xác định đặc trưng phân tử

6.Dự án Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2001 - 2005 và 2009 – 2010.
- Tổ chức đặt hàng: Bộ Công Thương
- Thời gian thực hiện: 2001 – 2005 và 2009 - 2010
- Các kết quả đạt được:
Thu thập được 5 giống dừa trong đó có 3 giống quí hiếm là dừa Sọc, Xiêm lục, Xiêm lửa, thu thập bổ sung được 5 giống dừa có số lượng chưa đầy đủ và chăm sóc lưu giữ 48 mẫu giống dừa có nguồn gốc nhập nội và trong nước.
Dự án đã nhập nội 650g phấn hoa dừa của các giống dừa cao Laguna, Tagnanan, Baybay từ Philippine để sử dụng cho công tác lai tạo và sản xuất trong nước hơn 800g phấn hoa Bago Oshiro, phấn hoa dừa Sáp, để phục vụ cho công tác chọn tạo giống dừa năng suất cao.
Từ các nguồn vật liệu ban đầu trong tập đoàn quỹ gen, Dự án đã lai tạo thành công 10 tổ hợp dừa lai năng suất cao. 10 giống dừa lai đã được trồng khảo nghiệm và đánh giá thích nghi của chúng tại 15 điểm trồng ở 7 tỉnh phía Nam. Kết quả 2 trong 10 giống dừa lai (JVA1 và JVA2) đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời và cho phép sản xuất thử vào năm 2004.
Bên cạnh đó, Dự án đã nhập nội 12.500 cây dừa Dứa và đánh giá thích nghi tại một số tỉnh phía Nam. Đây là giống dừa có giá trị kinh tế cao, nước và cơm dừa có mùi thơm đặc biệt của lá dứa, được nông dân ưa chuộng. Năm 2006, giống dừa Dứa đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời và sau đó được công nhận giống chính thức năm 2012.
Tuyển chọn được hơn 20.000 cây dừa mẹ tại các tỉnh trồng dừa tập trung với năng suất bình quân 80 quả/cây/năm nhằm phục vụ cho công tác trồng mới và cải tạo các vườn dừa lão, năng suất thấp.
Xây dựng và chăm sóc hơn 50 ha vườn dừa giống gốc từ các giống dừa Ta, dừa Dâu, dừa Xiêm, dừa Ẻo, dừa Dứa….tại các Trung tâm trực thuộc Viện và các tỉnh phía Nam. Từ các vườn dừa giống gốc này, các tỉnh đã nhân và mở rộng diện tích trồng giống dừa Dứa như Bến Tre 500 ha và Kiên Giang hơn 60 ha. Bốn giống dừa địa phương phổ biến: dừa Ta, dừa Dâu, dừa Xiêm, dừa Ẻo đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống chính thức vào năm 2011.
Hơn nữa, Dự án đã nhân thành công giống dừa Sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi với tỉ lệ thành công 20% và đưa ra vườn trồng 3 ha vào năm 2005. Sau đó, qui trình nuôi cấy phôi dừa Sáp được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao tỉ lệ thành công > 40% với 2.000 phôi dừa Sáp, đưa ra vườn ươm 880 cây và 700 cây ở vườn trồng tại 2 Trung tâm của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu.
Ngoài ra, dự án đã hoàn thiện hai qui trình nhân giống dừa, đó là qui trình tuyển chọn, nhân giống dừa lai và qui trình nhân giống dừa Dứa với kết quả tạo được giống dừa lai có tính chính thống cao, đạt 98% và tỉ lệ nảy mầm của giống dừa Dứa > 60%.
Dự án xây dựng được 7 ha mô hình trình diễn công nghệ cao giống dừa Sáp nuôi cấy phôi và giống dừa Dứa với trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre và Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, Tây Ninh vào giai đoạn 2009-2010.
Dự án đã trồng mới và chăm sóc được 7 ha vườn dừa bố mẹ gồm các giống dừa cao Bago Oshiro, cao San Ramon, lùn vàng Mã Lai và lùn đỏ Mã Lai để làm vật liệu lai tạo giống dừa tại Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, Tây Ninh và Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre. Đồng thời, dự án đã trồng mới và chăm sóc được 25 ha vườn nhân giống dừa chất lượng cao gồm giống dừa Sáp nuôi cấy phôi, dừa Dứa, dừa Xiêm lục, dừa Ẻo, dừa Xiêm xanh, dừa Tam Quan.
Năm 2010, vườn dừa lai Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, Tây Ninh đã sản xuất 7.200 quả dừa lai JVA1 và 2.300 quả dừa lai Dứa x Sáp cung cấp cho các địa phương có nhu cầu.
Song song với việc thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học và nhân giống dừa cung cấp cho sản xuất, Dự án đã tổ chức được 31 lớp tập huấn cho 1.350 cán bộ khuyến nông, nông dân về kỹ thuật sản xuất và phát triển giống dừa. Qua đó, các kỹ thuật và các qui trình sản xuất, phát triển giống dừa đã được chuyển giao trực tiếp cho các cán bộ khuyến nông, nông dân ở các địa phương. Ngoài ra, Dự án đã tổ chức 8 khóa đào tạo tại 5 nước phát triển trồng dừa trong khu vực (Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Mexico) cho các cán bộ kỹ thuật và quản lý về phương thức sản xuất, quản lý giống dừa chất lượng cao, chăm sóc vườn dừa, đặc biệt là phương pháp nuôi cấy phôi dừa tại Trung tâm nghiên cứu dừa Zamboanga (Philippines). Qua đợt đào tạo tập huấn ở nước ngoài, trình độ chuyên môn của các cán bộ kỹ thuật và quản lý được nâng cao, tạo mối quan hệ hợp tác tốt với các nước bạn thông qua việc cung cấp tài liệu có giá trị về nghiên cứu phát triển, sản xuất giống dừa cũng như việc nhập nội phấn hoa và giống dừa có năng suất, chất lượng cao.
Đối với nội dung đầu tư thiết bị để tăng cường năng lực cho cơ sở nghiên cứu: Dự án giai đoạn 2001-2005 đã tăng cường cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm xử lý phấn hoa, nuôi cấy phôi dừa. Trang bị các máy móc, thiết bị cần thiết cho công tác sản xuất giống dừa: nhà lưới, nhà kho, máy cày, hệ thống điện, hệ thống tưới. Cải tạo và nâng cấp đồng ruộng: hệ thống đường nội đồng và kênh mương nội đồng phục vụ tưới và tiêu. Năm 2010, dự án đã tăng cường năng lực nghiên cứu, cung cấp một số thiết bị phục vụ đào tạo – thông tin cho các Trung tâm, đơn vị và bộ môn thuộc Viện gồm: máy vi tính xách tay, máy chụp hình, máy quay phim và máy vi tính bàn.
Dự án “Phát triển giống dừa chất lượng cao giai đoạn 2001 – 2005 và 2009 – 2010” đã được Hội đồng đánh giá và nghiệm thu cấp Bộ Công Thương thông qua với kết quả 8/8 phiếu xếp loại Đạt.

7. Dự án Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2011 – 2015.
- Tổ chức đặt hàng: Bộ Công Thương
- Thời gian thực hiện: 2011 – 2015 
- Các kết quả đạt được:
Năm 2011 Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã được Bộ Công Thương phê duyệt dự án “Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2011 – 2015”. Sau 5 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành khối lượng công việc theo kế hoạch được giao và đạt yêu cầu chỉ tiêu của sản phẩm khoa học đặt ra.
- Đã sản xuất 171.300 cây dừa giống gốc thuộc 2 nhóm dừa lùn (Xiêm, Ẻo, Dứa) và dừa cao (Ta, Dâu); 20.000 cây giống dừa lai JVA1 đạt chất lượng cao để cung cấp cho các địa phương và nông dân có nhu cầu.
- Đã chăm sóc và duy trì 14,8 ha vườn dừa bố mẹ, vườn giống gốc tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre và Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, Tây Ninh gồm các giống: dừa Sáp nuôi cấy phôi, dừa Dâu, dừa Dứa DA15, dừa Lùn Vàng Mã Lai và đã cung cấp khoảng 150.000 cây giống dừa gốc/năm cho các tỉnh trồng dừa.
- Đã phối hợp với địa phương tuyển chọn 5.143 cây dừa mẹ có năng suất cao, chất lượng tốt tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Bình Định, Phú Yên, đáp ứng đủ tiêu chuẩn cây đầu dòng nhằm cung ứng 200.000 cây giống dừa/năm tại địa phương.
- Đã hoàn thiện 4 quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Dâu, dừa Sáp, dừa Xiêm, dừa Ẻo, làm tăng 10% tỷ lệ cây giống xuất vườn.
- Đã xây dựng được 04 mô hình trình diễn sản xuất giống dừa bằng công nghệ tiên tiến tưới nhỏ giọt, thụ phấn nhân tạo, bón phân hữu cơ, nuôi cấy phôi tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang và Tây Ninh và sản xuất được 1.800 cây giống dừa Sáp nuôi cấy phôi đạt tỉ lệ quả sáp/quày ≥75%.
- Đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn ngành cấp cơ sở cho cây giống dừa thuộc 03 nhóm dừa cao, dừa lùn, dừa lai (Đã thông qua hội đồng khoa học Cục Trồng trọt, đang xin công bố tiêu chuẩn ngành cấp Quốc gia); và hoàn thiện cơ sở dữ liệu giống dừa Sáp, dừa lai. Giống dừa Sáp đã được Bộ Nông nghiệp – PTNT công nhận giống chính thức vào năm 2016.
-
- Xây dựng được 01 phần mềm hệ thống thông tin địa lý GIS để quản lý cây mẹ và các vườn giống gốc, vườn nhân giống dừa năng suất và chất lượng tốt tại 02 Trung tâm Dừa Đồng Gò và Trung tâm sản xuất giống Trảng Bàng.
- Đã xuất bản 6 ấn phẩm về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc giống dừa, kỹ thuật vườn ươm, phòng trừ sâu bệnh hại dừa và in được 186.720 bao bì ươm cây giống mang thương hiệu của Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu theo đúng qui định hiện hành về nhãn mác hàng hóa của Nhà nước.
- Đã mời được 03 chuyên gia nước ngoài để đào tạo cho cán bộ nghiên cứu, cán bộ sản xuất giống của Dự án về công nghệ nuôi cấy phôi dừa, phòng trừ bọ dừa, tổ chức sản xuất, quản lý và phân phối giống dừa đạt dừa năng suất và chất lượng cao. 
- Đã tập huấn kỹ thuật trồng, sản xuất giống dừa và tham quan các mô hình trình diễn sản xuất giống cho 423 cán bộ khuyến nông, nông nghiệp và nông dân trồng dừa trong cả nước. Đã đào tạo 20 cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu, quản lý trong sản xuất giống dừa tại các nước trồng dừa tiên tiến Philippines, Thái Lan và Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt dự án “Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2012-2015” nhằm đầu tư xây dựng, cải tạo vườn sản xuất giống, hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng, hàng rào, nhà chờ giống chín sinh lý trước khi ươm và các trang thiết bị cho Trung Tâm Dừa Đồng Gò, Trung Tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng và Trạm Bình Thạnh như sau:
+ Xây dựng mới 79 cây cầu nội đồng và hơn 5.000 md hệ thống đường giao thông nội đồng khu bảo tồn gen, khu vườn giống, khu sản xuất giống, nhà lưới. Đồng thời cải tạo và nâng cấp phòng nuôi cấy phôi, phòng thí nghiệm(> 200 m2), hệ thống tưới, hệ thống cấp điện, trạm biến áp. Ngoài ra, dự án tiếp tục cải tạo >128.000 m2 hệ thống kênh, mương, cống, ao hồ và >4.000 m2 vườn ươm giống dừa.
+ Tăng cường trang thiết bị phục vụ sản xuất, đào tạo tập huấn và quản lý giống, kiểm định và tăng cường chất lượng giống tại 2 Trung tâm và 01 trạm thực nghiệm gồm: 14 thiết bị phục vụ sản xuất; 77 thiết bị phục vụ đào tạo tập huấn và quản lý, 17 thiết bị phục vụ kiểm định và tăng cường chất lượng giống.
Go to Top