Chi tiết

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ KHCN

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu là đơn vị khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động theo mô hình Viện với các đơn vị thành viên. Trong suốt quá trình hoạt động, Viện đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của ngành Dầu thực vật Việt Nam thông qua công tác nghiên cứu đa dạng hóa về các giống cây có dầu - một trong những thế mạnh của Viện.
Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu có nhiệm vụ chính là nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn ngành chế biến dầu; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ chế biến dầu và cây có dầu phục vụ sản xuất công nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu; giám định, kiểm định, kiểm tra chất lượng, kiểm chuẩn nguyên liệu, bán sản phẩm, sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đầu tư trực tiếp, liên doanh liên kết, dịch vụ khoa học, công nghệ về lĩnh vực chế biến dầu thực vật và cây có dầu với các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước… Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo, Viện đã thu về được nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Gặt hái nhiều "trái ngọt"
Viện đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh. Hầu hết các đề tài tập trung nghiên cứu các giống cây có dầu, như: Lạc, đậu tương, vừng, dừa, hướng dương, cải dầu, dầu mè, cây tinh dầu…, với hàng trăm mẫu giống sau nhiều năm nghiên cứu, Viện đã chọn lọc, lai tạo được nhiều giống cây có dầu với năng suất cao, chất lượng tốt, được Hội đồng Khoa học & Công nghệ của Nhà nước công nhận là giống Quốc gia như: Giống lạc: VD8; Giống vừng: VDM34, V36, VDM3. Đây là những giống góp phần rất lớn trong công tác nghiên cứu khoa học hiệu quả, đặc biệt là mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của các cây có dầu ở các vùng sản xuất tại Việt Nam.
Ngoài ra Viện còn tư vấn đầu tư, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng, vận hành dây chuyền công nghệ, chuyển giao công nghệ chế biến dầu thực vật, công nghệ sinh học, giống sinh vật, các dịch vụ phân tích; sản xuất, kinh doanh các chế phẩm sinh học, hoá chất, thiết bị thuộc ngành công nghiệp chế biến dầu thực vật gồm: Các loại sản phẩm dầu thực vật và hương liệu tự nhiên, các chế phẩm sinh học, hoá chất, vật tư kỹ thuật, nhiên liệu thuộc ngành dầu thực vật, và chế biến các loại nông sản, thực phẩm, kinh doanh các loại máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ chế biến dầu thực vật, thiết bị công nghệ sinh học, thiết bị xử lý môi trường…
Viện đã có chiến lược và kế hoạch thực hiện chiến lược khoa học và công nghệ, chú trọng thực hiện ba mục tiêu hàng đầu: Tạo tri thức khoa học mới trong lĩnh vực nghiên cứu; tạo công nghệ mới có tính ứng dụng cao; chuyển giao và Thương mại hóa công nghệ và đạt được kết quả khả quan trên nhiều phương diện.
Kết quả đầu ra về khoa học và công nghệ
Giai đoạn 2016-2018, tổng số công bố khoa học của Viện là 23 công bố trong và ngoài nước. Trong đó, chủ yếu là bài viết trên các tạp chí trong nước, bài trình bày tại hội thảo khoa học ở Việt Nam, bài trình bày tại hội thảo quốc tế. Số công bố khoa học/cán bộ nghiên cứu của Viện đạt mức trung bình 0,64 công bố/cán bộ nghiên cứu.
Về tổng số đầu ra công nghệ, trong 5 năm từ 2014 - 2018, Viện đã có 03 công nghệ mới do tổ chức phát triển; 2 sản phẩm có chứng nhận sở hữu trí tuệ; 1 sản phẩm chuyển giao công nghệ. Các kết quả đầu ra nghiên cứu công nghệ quan trọng của Viện như: Quy trình nhân giống dừa sáp (Cocos nucifera L.) bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi; quy trình chiết tách dầu từ hạt cây chùm ngây (Moringa oleifera) bằng phương pháp enzyme,…
Kết quả thương mại hóa
Giai đoạn 2014 – 2018, Viện đã thực hiện thương mại hóa 3 sản phẩm, gồm: Sản xuất cây giống dừa Sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi; Sản xuất dầu mè tươi bằng phương pháp ép lạnh; Sản xuất tinh dầu Trúc bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước. Trong đó, sản phẩm cây giống dừa sáp mang lại doanh thu hàng năm là 700 triệu đồng. Hình thức thương mại hóa chủ yếu của Viện là thông qua các hội chợ, triển lãm, được quảng bá trên các kênh truyền hình.
Kết quả dịch vụ khoa học và công nghệ
Dịch vụ khoa học và công nghệ của Viện khá đa dạng, gồm có hoạt động phân tích và kiểm định chất lượng dầu và các sản phẩm dầu thực vật và cây có dầu; cung cấp giống cây trồng: giống dừa, cây dừa sáp; chuyển giao công nghệ trồng và chăm sóc cây; đào tạo kỹ thuật viên… Viện đã thực hiện chuyển giao cho các đơn vị trung gian giúp mở rộng phạm vi ứng dụng của các công nghệ, sản phẩm do Viện phát triển.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp
Hợp tác của Viện trong giai đoạn vừa qua có kết quả khá tốt với nhiều hợp đồng và biên bản ghi nhớ đã được ký kết thành công với các tổ chức trong và ngoài nước. Có thể kể đến Hợp đồng với Viện quốc tế nghiên cứu cây trồng trên vùng nhiệt đới bán khô hạn (ICRISAT) (2014); Hợp đồng với Bộ KH&CN về Nghị định thư với Hoa Kỳ (2014-2016); Hợp đồng với Nhật Bản (JICA) (2014, 2015, 2016); Hợp đồng với công ty FINE – Anh (2016); Biên bản ghi nhớ với Đại học KH&KT Pingtung – Đài Loan (2015); Biên bản ghi nhớ với Đại học Plovdiv – Bungary (2016); Biên bản ghi nhớ với Đại học Văn Lang về hợp tác KHCN (2019); Biên bản ghi nhớ với Đại học Nông Lâm TPHCM về hợp tác KHCN (2019).
Bên cạnh đó, Viện cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường đại học và cao đẳng và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các phòng thí nghiệm trọng điểm, cũng như các công ty, nhà máy có chủ trương đầu tư vùng nguyên liệu câu có dầu. Đồng thời, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế đã có, mở rộng thêm quan hệ với các nước: Đức, Ấn Độ, Mỹ…, để trao đổi giống, tiến bộ kỹ thuật mới, chuyên gia… trong việc phát triển cây có dầu, vi tảo làm nguyên liệu chế biến dầu thực vật và biodiesel với Úc trong chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm nâng cao vị thế của Viện trong khu vực quốc tế…
Có thể thấy, nhờ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược khoa học và công nghệ, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã cụ thể hóa các ưu tiên, nhiệm vụ và giải pháp triển khai; trở thành một trong số ít đơn vị xây dựng và phê duyệt chính thức Chiến lược/Kế hoạch phát triển của Viện. Đây là căn cứ quan trọng trong tổ chức nhằm đảm bảo việc triển khai có trọng tâm, đồng thời theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. 
Để đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ chiến lược quy hoạch phát triển ngành dầu thực vật Việt Nam tầm nhìn đến năm 2025 trong công tác nghiên cứu khoa học, Viện sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính đó là: Xây dựng định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngắn và dài hạn, tập trung vào các chương trình nghiên cứu, phát triển giống cây có dầu năng suất cao, chất lượng tốt, chú trọng nghiên cứu chọn tạo các giống lai F1 có năng suất cao.
Bên cạnh đó, điều chỉnh cơ cấu tổ chức để đảm bảo sự tập trung, không dàn trải, bổ sung cán bộ nghiên cứu cả về số lượng và chất lượng, tăng cường công tác đào tạo cán bộ để có được đội ngũ ở trình độ cao. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực nghiên cứu, cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ để đa dạng hóa nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cũng sẽ được xem xét.
Cùng với đó là tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, ưu đãi cho các cán bộ nghiên cứu có thành tích tốt trong việc đăng bài báo khoa học thông qua việc tài trợ kinh phí, thực hiện đo lường kết quả nghiên cứu khoa học thông qua các bài báo khoa học…
Nguồn: https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t8809/vien-nghien-cuu-dau-va-cay-co-dau-khong-ngung-nang-cao-nang-luc-nghien-cuu-cung-cap-cac-dich-vu-khcn.html?fbclid=IwAR08E5Pz8wbKdDhKPwGNSzRatDeYxp_qjurKR89QQCSJMQbzwSzry0IEqOc
 
Go to Top