Chi tiết

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu: Góp phần thúc đẩy phát triển ngành dầu Việt Nam

Làm thế nào để phát triển ngành công nghiệp chế biến dầu và cây có dầu, phục vụ sản xuất và phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp của đất nước, là nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Dầu và cây có dầu.
Quản lý 04 bộ môn nghiên cứu về Nông sinh học và Công nghệ chế biến gồm: Bộ môn Cây có dầu ngắn ngày; Cây có dầu dài ngày; Công nghệ dầu béo và phân tích; Công nghệ Sinh học; 01 phòng thí nghiệm công nghệ nuôi cấy mô và phôi; 01 Trung tâm phân tích kiểm định; 01 Trung tâm Tư vấn đầu tư, chuyển giao Công nghệ và Môi trường; 02 Trung tâm sản xuất thực nghiệm tại Bến Tre và Tây Ninh; 01 Trạm Thực nghiệm. Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu hiện là đơn vị sự nghiệp KHCN có chức năng nghiên cứu, tư vấn, thiết kế; chuyển giao công nghệ; sản xuất kinh doanh giống cây có dầu và ngành công nghiệp chế biến dầu, tinh dầu; phục vụ sản xuất và phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp của đất nước.
Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ chế biến dầu thực vật
Ngành dầu thực vật là ngành có liên quan chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khoa học như sinh học, nông nghiệp, hóa học chất béo và công nghệ chế biến. Trong đó, nghiên cứu đa dạng hóa về các giống cây có dầu là một trong những thế mạnh của Viện. Các đề tài tập trung nghiên cứu các giống cây có dầu như lạc, vừng, đậu tương, dừa, hướng dương, cải dầu, jatropha, cây tinh dầu…
Từ những tập đoàn quỹ gen cây có dầu với hàng trăm mẫu giống, sau nhiều năm nghiên cứu, Viện đã chọn lọc và lai tạo được nhiều giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt được công nhận là giống Quốc gia. Lĩnh vực công nghệ sinh học cũng thành công trong việc nghiên cứu công nghệ nuôi cấy phôi giống dừa Sáp, hằng năm cung cấp cho bà con nông dân hàng nghìn cây giống dừa Sáp đặc ruột.
Sản phẩm giống dừa Sáp từ nuôi cấy phôi của Viện có tỉ lệ quả đặc ruột trên buồng lên tới hơn 80% (trong khi giống dừa sáp ươm từ quả tỷ lệ đặc ruột chỉ đạt 15-20%) đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng dừa.
Viện cũng đẩy mạnh nghiên cứu các công nghệ chế biến dầu thực vật và tinh dầu, với mục tiêu nâng cao giá trị tăng thêm của các cây có dầu và tìm kiếm nguồn nguyên liệu dầu mới. Một số công trình nghiên cứu đã cho kết quả tích cực áp dụng vào sản xuất ra sản phẩm như: dầu dừa tinh khiết, dầu mè chất lượng cao; các chế phẩm vi sinh, sản phẩm phân bón hữu cơ từ bã thải vỏ ca cao, công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh cố định đạm; công nghệ chế biến dầu mè tươi, dầu chùm ngây; dầu hạt thanh long; các loại tinh dầu thiên nhiên như chúc, tràm trà, bưởi, sả… đều được thị trường đón nhận.
Tăng cường mở rộng, hợp tác quốc tế
Với chủ trương tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh giao lưu nghiên cứu khoa học, trong những năm qua, Viện đã tham gia nhiều chương trình hợp tác với các viện nghiên cứu quốc tế. Hợp tác với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Yoengnam (YARI), thuộc Viện Khoa học cây trồng quốc gia Hàn Quốc để đào tạo nhiều cán bộ đầu ngành trong các lĩnh vực nghiên cứu liên quan và thông qua hợp tác, Viện có trong tay bộ giống lạc, vừng quý của thế giới cùng với phương pháp tuyển chọn giống, lai tạo tiên tiến được các nhà khoa học thế giới chuyển giao, đây cũng là nền tảng để Viện phát triển các giống lạc, vừng mới.
Từ năm 1992, Viện đã hợp tác với Viện Dầu cọ Malaysia PORIM (nay là MPOB) để học tập kinh nghiệm về trồng, chế biến và phân tích các sản phẩm từ dầu cọ; Hợp tác với Viện Tài nguyên Di truyền thực vật quốc tế IPGRI thiết lập được dự án nguồn gen cây dừa với tổ chức COGENT, giúp Viện có thêm kinh nghiệm trong công tác lai tạo và sản xuất các giống dừa mới, phát triển kỹ thuật trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa.
Từ dự án nuôi cấy phôi dừa do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của Úc (ACIAR) tài trợ, kết hợp với các dự án khác trong nước, Viện đã nghiên cứu thành công và phát triển sản xuất giống dừa Sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi, có năng suất và chất lượng vượt trội.
Đặc biệt, với các hợp tác theo nghị định thư, Viện có cơ hội đồng hành nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Chương trình hợp tác của Viện với Hoa Kỳ là một trong những ví dụ điển hình cùng nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất dầu từ vi tảo. Hợp tác quốc tế không những tăng cường kinh phí cho nghiên cứu, chuyển giao mà còn là kênh cung cấp thông tin khoa học công nghệ và đào tạo nhân sự rất hiệu quả.
Hướng tới một quy hoạch cho ngành dừa
Đồng bằng Sông Cửu Long hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự kiến, gây ra nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan, bão tố, lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn phá nghiêm trọng hơn, đồng thời cũng xuất hiện nhiều loại bệnh lạ hơn.
Bên cạnh đó, các hoạt động ở thượng nguồn sông Mê Kông cũng đã gây ra thay đổi về mô hình dòng chảy, giảm tải lượng trầm tích, giảm nguồn lợi thủy sản và xâm nhập mặn sâu hơn. Điều này đòi hỏi công tác quy hoạch đất sản xuất, cơ cấu cây trồng cũng phải thay đổi để thích nghi với biến đổi khí hậu.
Dừa là cây trồng có khả năng thích nghi tốt với biến đổi khí hậu. Trong điều kiện của khô hạn, bão tố, đất cát nghèo dinh dưỡng của miền Trung hay lũ lụt, mặn xâm nhập, nhiễm phèn ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì cây dừa vẫn thích nghi và phát triển tốt.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, do không phải là cây trồng chính nên cây dừa cũng như các cây có dầu khác của Việt Nam chưa được quy hoạch vùng trồng cụ thể. Vì vậy, phần lớn dừa được người dân trồng tự phát theo nhu cầu thị trường, dẫn đến cây bị thụ phấn chéo, lai lẫn tự nhiên, năng suất thấp, cây già cỗi, sâu bệnh, chuỗi cung ứng rời rạc, cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng dừa giảm sút.
TS. Lê Công Nông – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu cho biết, về mặt khoa học, cần làm quy hoạch vùng cho các loại cây, đặc biệt là cây dừa với các giống dừa khác biệt; quy hoạch vùng trồng dừa, đi theo nhà máy chế biến. Cây dừa có chu kỳ kinh doanh kéo dài đến vài chục năm, tất cả các bộ phận của quả dừa đều sử dụng được: chế biến thành cơm dừa nạo sấy, các sản phẩm thực phẩm, dầu dừa tinh khiết dùng trong ngành mỹ phẩm, dược phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ v.v…, các sản phẩm dành cho người ăn chay, bán rất chạy ở thị trường Trung Đông.
Với lợi thế nghiên cứu được giống dừa Sáp nhờ nuôi cấy phôi với tỉ lệ đặc ruột đến hơn 80% và đã chọn tạo được 6 giống dừa được Nhà nước công nhận là giống quốc gia, 3 giống dừa lai công nhận sản xuất thử, Viện rất mong muốn có thể triển khai xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung, thúc đẩy việc hình thành những cánh đồng lớn, thực hiện thành công phương châm liên kết giữa các nhà: nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nông,  tạo nền tảng cho việc xây dựng các thương hiệu, các chứng nhận, truy xuất nguồn gốc. Có như vậy, ngành sản xuất dừa mới thực sự phát triển xứng tầm với tiềm năng của nó.
Để việc triển khai nhân rộng sản xuất và đưa giống dừa tốt vào sử dụng một cách rộng rãi, Viện đã xây dựng “Dự án phát triển Trung tâm dừa Đồng Gò thuộc Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đến năm 2025” với mục tiêu phát triển Trung tâm dừa Đồng Gò thành trung tâm nghiên cứu mang tầm quốc gia, có năng lực nghiên cứu; đào tạo; tiếp nhận; chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, hợp tác quốc tế, tư vấn về cây dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa.
Ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu
Trong thời gian gần đây, Viện đã có các sản phẩm được thương mại hóa như: sản phẩm dầu hạt thanh long, dầu vừng, đã chào bán và đang cung cấp cho thị trường cả nước giống dừa Sáp nuôi cấy phôi (NCP) và chuyển giao công nghệ trồng dừa Sáp NCP cho Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) tỉnh Trà Vinh; chuyển giao 2 giống vừng, 2 quy trình canh tác vừng và 3 mô hình tại các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Tân Hồng cho Sở KHCN tỉnh Đồng Tháp. Tuyển chọn được 1 giống lạc mới và chuyển giao cho Viện Di truyền Nông nghiệp; tuyển chọn được 3 giống lạc có năng suất cao, chất lượng tốt, các biện pháp kỹ thuật và 6 mô hình cho Sở KHCN tỉnh Bình Thuận để ứng dụng vào sản xuất.
Viện cũng đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex) thực hiện chương trình đào tạo và tư vấn về trồng dừa, xây dựng mô hình giống mới nhằm giúp Công ty hoàn chỉnh phương án sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết khép kín từ nguyên liệu đến chế biến phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ.
Viện cũng hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu TTP về phân phối sản phẩm tinh dầu. Nhờ vậy, các sản phẩm KH&CN như: dầu dừa tinh khiết; dầu vừng chất lượng cao; rượu cao độ, rượu vang, nước giải khát, đường và siro từ mật hoa dừa; tinh dầu thiên nhiên (Chúc, bưởi, tràm trà,…), các sản phẩm tinh dầu xông, dầu massage có chất lượng cao, không sử dụng hóa chất và các sản phẩm từ thiên nhiên khác đã được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bên cạnh đó, Viện thành lập được hai showroom để giới thiệu các thành tựu nghiên cứu và trưng bày sản phẩm chế biến từ cây có dầu, tinh dầu các loại tại 171 Hàm Nghi, Quận 1, Tp.HCM và 96 Lý Tự Trọng, Tp. Vũng Tàu nhằm phục vụ nhu cầu xã hội và giới thiệu đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp, để chuyển giao nhanh các sản phẩm nghiên cứu khoa học và phục vụ nhu cầu thị trường, bước đầu đã đóng góp không nhỏ vào nguồn thu của Viện.
Để đẩy mạnh hoạt động và nâng cao năng lực của Trung tâm Phân tích và Kiểm định, Viện đã tăng cường đầu tư để Trung tâm từng bước thực hiện tốt các dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực kiểm tra, kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm đối với dầu thực vật, nguyên liệu dầu thực vật, các sản phẩm từ dầu, các sản phẩm thực phẩm. Hiện Phòng thử nghiệm Hóa và Vi sinh của Trung tâm được Văn phòng công nhận chất lượng BoA cấp chứng chỉ phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2017.
Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ, tiếp tục củng cố, xây dựng nguồn nhân lực, ổn định và phát triển toàn diện, nỗ lực từng bước cải tiến và chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm phát huy truyền thống, tận dụng tối đa nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện có phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, là đơn vị nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực dầu và cây có dầu Việt Nam.
Hồ Nga
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vien-nghien-cuu-dau-va-cay-co-dau-gop-phan-thuc-day-phat-trien-nganh-dau-viet-nam-90169.htm

 
Go to Top