Chi tiết

Về nguồn năm 2020

Ngày 23/07/2020 Chi đoàn đã có chuyến về nguồn để tưởng nhớ những mốc son lịch sử của dân tộc tại vùng đất thép thành đồng Củ Chi và di tích lịch sử văn hóa Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh).
Điểm dừng chân đầu tiên của Chi đoàn tại địa đạo Củ Chi, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 70 km. Điạ đạo Củ Chi nằm là cách gọi chung của các hệ thống địa đạo khác nhau, được hình thành từ khoảng thời gian 1946-1948, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, là căn cứ địa cách mạng “có một không hai” được ghi danh trong lịch sử Việt Nam. Thời gian này, quân dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đã đào những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí, tránh các cuộc bố ráp càn quét của quân đội Pháp của quân Việt Minh. Địa đạo Củ Chi có chiều dài lên đến khoảng 250 km, từ đường “xương sống” địa đạo tỏa rộng trong lòng đất, bao gồm các công trình: đường hầm, chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, bếp, giếng nước, kho dự trữ… Một số nhánh của địa đạo đổ ra sông Sài Gòn để đề phòng trường hợp nguy kịch có thể vượt sông qua căn cứ Bến Cát (Bình Dương).
Khu di tích bảo tồn gồm 2 phần chính cách nhau khoảng 13km:
- Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 12 năm 2004. Tại đây, Chi đoàn đã được xem phim tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống. Sau khi hiểu hơn về địa đạo, các đoàn viên được tham quan hệ thống đường hầm dưới lòng đất, quan sát nơi ăn ở, sinh hoạt, hội họp của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Củ Chi, hầm chế tạo vũ khí, nhà trưng bày vũ khí tự tạo…
- Địa đạo Bến Dược (bao gồm căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 54/VHQĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979. Tại đây, ngoài xem phim tư liệu lịch sử, chi đoàn đi tham quan thực tế đường hầm với các công trình nằm sâu dưới lòng đất như hầm ở và nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.
Chụp ảnh lưu niệm tại Địa đạo Củ Chi – Tp.HCM
Chia tay với Địa đạo Củ Chi – Tp. HCM, Chi đoàn di chuyển đến Núi Bà Đen – một quần thể di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng, từ lâu vốn là biểu tượng về đất và người của quê hương Tây Ninh. Núi trải rộng trên diện tích 24 km2, gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Núi Bà Đen cao 986 m, là ngon núi nhô lên giữa đồng bằng và cao nhất miền Nam – Việt Nam. 
Với cảnh quan hùng vĩ của núi đã tạo nên khu di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng ở Nam bộ và cả nước. Hiện nay, hàng năm thu hút hơn nữa triệu lượt người khắp nơi trong nước đến chiêm bái và du ngoạn.
Phía Bắc núi Heo là căn cứ địa của liên đội 7 anh hùng trong thời chống Mỹ. Với những hang động lớn, nhiều bãi đá trắng, trải rộng trên sườn núi. Phía đông núi Bà có suối tràn, nước chảy quanh năm bởi một tản đá khổng lồ chặn ngang lưng chừng núi. Phía dưới tản đá khổng lồ này có hệ thống hang động. Nơi đây từng là căn cứ của Huyện ủy huyện Dương Minh Châu, Huyện ủy Tòa Thánh (nay là Hòa Thành) trong thời chống Mỹ.
Ở lưng chừng xung quanh núi là cả hệ thống hang động tiêu biểu như: hang Gió, chùa Hang, động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ông Tà, động Ba Cô và động Thiên Thai… từng là căn cứ địa vững chắc của quân dân Tây Ninh.
Cấu tạo địa chất bởi nhiều tầng đá tảng chồng lên nhau tạo ra nhiều hang động tự nhiên và một thảm động, thực vật phong phú đa dạng do đó núi Bà Đen trở thành một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong suốt 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc (1946 – 1975).

Tham quan Di tích núi Bà Đen – Tây Ninh
 
Kết thúc chuyến đi về nguồn, các đoàn viên Chi đoàn Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu được trải nghiệm phần nào khó khăn gian khổ của quân dân ta trong thời kỳ giữ nước, qua đó càng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trân trọng quá khứ, những thành quả được đổi bằng xương máu, từ đó trân trọng và có trách nhiệm hơn trong cuộc sống và công việc trong thời bình hiện nay.

 
Go to Top