Nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu là một trong những di sản giá trị của quốc gia, cần được bảo tồn và sử dụng hiệu quả vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Tài nguyên di truyền thực vật có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp vật liệu ban đầu để lai tạo ra giống mới và là hạt nhân của đa dạng sinh học nên giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của mỗi quốc gia. Thực tế cho thấy quốc gia nào sở hữu nguồn tài nguyên di truyền sinh vật nói chung và nguồn tài nguyên thực vật nói riêng càng đa dạng và phong phú sẽ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác chọn tạo giống mới phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Tại Việt Nam, nhằm lưu giữ an toàn nguồn gen cây nguyên liệu dầu (dừa, phi long, Jatropha, lạc, vừng và đậu tương) và cây tinh dầu (bạc hà, hương nhu, tràm trà, sả chanh, gừng, long não, bạch đàn chanh…) phục vụ công tác nghiên cứu và chọn tạo giống mới, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã được Bộ Công Thương giao thực hiện nhiệm vụ quỹ gen “
Lưu giữ và bảo quản nguồn gen cây nguyên liệu dầu và tinh dầu”. Nhiệm vụ do TS. Lê Công Nông làm chủ nhiệm.
Trong thời gian thực hiện từ tháng 6/2022-6/2023, nội dung chính của nhiệm vụ là lưu giữ và bảo quản an toàn trên đồng ruộng 51 mẫu giống dừa, 3 mẫu giống phi long, 86 mẫu giống Jatropha, 21 mẫu giống cây tinh dầu (tràm trà, sả chanh, hương nhu, bạc hà, gừng). Đồng thời, lưu giữ nguồn gen bằng phương pháp bảo quản hạt trung hạn 179 mẫu giống lạc, 93 mẫu giống vừng, 111 mẫu giống đậu tương với tần suất 1 lần/năm lấy mẫu và kiểm tra tỷ lệ nảy mầm của hạt giống lạc, vừng, đậu tương. Nội dung cuối cùng là trẻ hóa 20 nguồn gen.
Dừa Xiêm lửa bảo tồn tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre
Đối với nguồn gen cây dừa, nhóm nghiên cứu tiến hành lưu giữ và bảo quản an toàn trên đồng ruộng theo đúng đặc tính sinh học của 51 mẫu giống dừa bằng phương pháp ngân hàng gen đồng ruộng tại Trung tâm Dừa Đồng Gò (48 giống) và trong vườn nông dân (3 giống). Lưu giữ 5-20 cây/giống, khoảng cách trồng 8m x 8m. Số liệu được thu thập gồm 30 chỉ tiêu số lượng về thân, lá và hoa và 5 chỉ tiêu chất lượng, mỗi giống đo đếm 5-10 cây.
Đối với nguồn gen cây tinh dầu, thực hiện phương pháp duy trì trên đồng ruộng tại Trung tâm Dừa Đồng Gò và Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng. Trong đó, với cây hằng năm lựa chọn bảo tồn mỗi giống 1-2m2, bón phân chăm sóc định kỳ mỗi quý 1 lần bằng NPK 20-20-15, tưới nước thường xuyên trong mùa khô bằng hệ thống tưới phun; Với cây lâu năm thực hiện trồng cây cách cây 2m, mỗi giống bảo tồn từ 2-3 cây (tùy theo số lượng thu thập được), bón phân chăm sóc mỗi năm 2 lần bằng NPK 20-20-15, mỗi lần 100g/cây.
Giống Bạc Hà Đài Loan bảo tồn tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre
Đối với nguồn gen cây Jatropha, tiến hành lưu giữ và bảo quản an toàn trên đồng ruộng theo đúng đặc tính sinh học của 86 mẫu giống Jatropha trong nước và nhập nội bằng phương pháp ngân hàng gen đồng ruộng tại Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, Tây Ninh. Hiện nay các giống Jatropha đã được trồng mới từ tháng 8/2017, mỗi giống 3-6 cây, khoảng cách trồng 3x2m, mỗi hàng trồng 5 giống. Tập đoàn giống Jatropha được chăm sóc theo quy trình canh tác của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu.
Đối với nguồn gen cây phi long, thực hiện lưu giữ và bảo quản an toàn trên đồng ruộng theo đúng đặc tính sinh học của 3 mẫu giống phi long bằng phương pháp ngân hàng gen đồng ruộng tại Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, Tây Ninh (15-20 cây/giống): Khoảng cách trồng 5 x 6m, bón phân 2 lần/năm (300g ure; 400g super lân; 200g kali), phân hữu cơ bón 1 lần (20kg/cây).
Đối với nguồn gen giống lạc, vừng, đậu tương, thực hiện lưu giữ bằng phương pháp bảo quản hạt trung hạn trong kho lạnh 10oC tại Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, Tây Ninh. Định kỳ 1 lần/năm lấy mẫu và kiểm tra tỷ lệ nảy mầm của từng mẫu giống. Mẫu giống nào có tỷ lệ nảy mầm thấp hơn 70% sẽ tiến hành nhân mới trên đồng ruộng. Tiến hành tái nhân ngoài đồng ruộng những giống có tỷ lệ nảy mầm thấp (< 70%) theo Quy trình kỹ thuật canh tác của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu. Trong quá trình trồng ngoài đồng ruộng sẽ tiến hành so sánh với bảng dữ liệu của giống gốc để loại bỏ các cây khác giống và áp dụng TCVN 8550 : 2018 “Giống cây trồng - phương pháp kiểm định ruộng giống” để đánh giá độ thuần của các giống tái nhân so với giống gốc ban đầu.
Nguồn gen cây vừng được lưu giữ tại Trảng Bàng, Tây Ninh
Đối với nhiệm vụ trẻ hoá nguồn gen, diện tích trẻ hóa nguồn gen mỗi giống 1 - 2m2 tùy số lượng của từng mẫu giống trẻ hóa, gieo tuần tự không lặp lại, thực hiện theo quy trình kỹ thuật canh tác của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu cho từng đối tượng cây trồng. Căn cứ vào việc kiểm tra tỷ lệ nảy mầm và độ lẫn tạp của từng mẫu giống, tiến hành thực hiện trẻ hóa 7 nguồn gen cây lạc, 6 nguồn gen cây vừng, 7 nguồn gen cây đậu tương. Sau khi trẻ hóa, các nguồn gen lạc, vừng và đậu tương sẽ tiếp tục được lưu giữ và bảo quản trong kho lạnh 10oC tại Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng, Tây Ninh.
Sau 1 năm thực hiện nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã thành công lưu giữ và bảo quản an toàn trên đồng ruộng 51 mẫu giống dừa, 3 mẫu giống phi long, 86 mẫu giống Jatropha, 20 mẫu giống cây tinh dầu. Các mẫu giống sinh trưởng và phát triển tốt trên đồng ruộng. Đồng thời, lưu giữ nguồn gen bằng phương pháp bảo quản hạt trung hạn 179 mẫu giống lạc, 93 mẫu giống vừng, 111 mẫu giống đậu tương. Tỷ lệ nảy mầm của các mẫu giống đều đạt trên 70% và lưu giữ 200 gr/mẫu giống. Một số giống lạc, vừng, đậu tương ưu tú trong quá trình bảo tồn và lưu giữ được phát hiện, có năng suất và hàm lượng dầu cao cung cấp nguồn tư liệu cho các nghiên cứu chọn tạo giống phù hợp trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trẻ hóa 20 mẫu hạt nguồn gen (7 mẫu giống lạc, 6 mẫu giống vừng, 7 mẫu giống đậu tương). Các giống trẻ hóa thể hiện đầy đủ các đặc điểm về sinh trưởng, phát triển và năng suất của mẫu giống gốc được thu thập trước đó. Tỷ lệ nảy mầm của các mẫu giống sau trẻ hóa ≥ 85% và được bảo quản trong kho lạnh 100C, khối lượng mỗi giống > 200 gr.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhóm tác giả đã giới thiệu cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống và khai thác phát triển nguồn gen 40 giống lạc đã được thu thập và lưu giữ làm vật liệu nghiên cứu cho đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao” giai đoạn
2019-2023; 50 giống vừng cho đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống vừng có năng suất, hàm lượng dầu và và linoleic cao” giai đoạn 2021-2024 và 11 giống dừa cho đề tài “Nghiên cứu phát triển giống dừa có năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp điều kiện sinh thái vùng biển đảo và bờ biển Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ đầu ngành của Bộ Công Thương trong lĩnh vực dầu và cây có dầu. Với việc triển khai hiệu quả nhiều đề tài, dự án, Viện đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sản xuất ngành dầu thực vật và ngành nông nghiệp Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế, uy tín của mình trong các hoạt động nghiên cứu, phát triển các quy trình công nghệ liên quan đến dầu và cây có dầu. Viện đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ Công Thương; Cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua của Bộ Công Thương…
Tố Uyên
Nguồn:
https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t19655/luu-giu-va-bao-quan-nguon-gen-cay-nguyen-lieu-dau-va-cay-tinh-dau.html