Tài nguyên di truyền thực vật có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp vật liệu ban đầu để lai tạo ra giống mới và là hạt nhân của đa dạng sinh học nên giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của mỗi quốc gia. Thực tế cho thấy quốc gia nào sở hữu nguồn tài nguyên di truyền sinh vật nói chung và nguồn tài nguyên thực vật nói riêng càng đa dạng và phong phú sẽ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác chọn tạo giống mới phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Xuất phát từ thực tế đó, năm 2019, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã triển khai thực hiện nhiệm vụ “
Lưu giữ và bảo quản nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu” với mục tiêu lưu giữ an toàn nguồn gen cây nguyên liệu dầu (dừa, phi long, jatropha, lạc, vừng và đậu tương) và cây tinh dầu (Bạc hà, hương nhu, tràm trà, sả chanh, gừng, long não, bạch đàn chanh,…).
Nhiệm vụ “Lưu giữ và bảo quản nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu” do TS. Lê Công Nông làm chủ nhiệm, thuộc nhiệm vụ thường xuyên bảo tồn và lưu giữ nguồn gen thực vật và vi sinh vật ngành công nghiệp.
Trong hai ngày 19 và 20 tháng 5, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ này với sự tham dự của đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng nghiệm thu cùng lãnh đạo, cán bộ của Viện.
Báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu, TS. Lê Công Nông – Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, công tác lưu giữ, bảo quản nguồn gen cây nguyên liệu dầu, tinh dầu thực vật được thực hiện theo phương pháp của Tổ chức Đa dạng Sinh học Quốc tế (Bioversity International), Viện Nghiên cứu Quốc tế cây trồng vùng bán khô hạn (ICRISAT).
Trong năm 2019, TS. Lê Công Nông và các cộng sự đã lưu giữ và bảo quản an toàn trên đồng ruộng 51 mẫu giống dừa; 3 mẫu giống Phi long; 86 mẫu giống jatropha; 21 mẫu giống cây tinh dầu (tràm trà, sả chanh, hương nhu,…).
Lưu giữ nguồn gen bằng phương pháp bảo quản hạt trung hạn 174 mẫu giống lạc; 88 mẫu giống vừng; 107 mẫu giống đậu tương. Tỷ lệ nảy mầm của các mẫu giống đều đạt trên 70%. Trẻ hóa 20 mẫu hạt nguồn gen (10 mẫu giống lạc, 5 mẫu giống vừng, 5 mẫu giống đậu tương). Độ thuần các mẫu giống trên 98%, tỷ lệ nảy mầm trên 80%.
Giống Bạc Hà Đài Loan bảo tồn tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre
“Chúng tôi đã giới thiệu được các cho công tác chọn tạo giống và khai thác phát triển, cụ thể: Cây lạc: sử dụng 40 giống lạc đã được thu thập và lưu giữ làm vật liệu nghiên cứu trong đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao” giai đoạn 2019-2023. Cây đậu tương: sử dụng 8 giống đậu tương đã thu thập và lưu giữ làm vật liệu nghiên cứu trong đề tài “Tuyển chọn giống đậu tương có năng suất và hàm lượng dầu cao phù hợp với điều kiện sản xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2018 – 2020”, TS. Lê Công Nông báo cáo tại buổi nghiệm thu.
Dừa Xiêm lửa bảo tồn tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre
Cũng trong dịp này Bộ Công Thương đã nghiệm thu nhiệm vụ “
Thu thập đánh giá nguồn gen cây nguyên liệu dầu” do ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư làm chủ nhiệm. Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Chủ nhiệm Nguyễn Quỳnh Thư cho biết, trong năm 2019, nhiệm vụ đã thu thập bổ sung được 6 mẫu giống cây nguyên liệu dầu (2 mẫu giống lạc tại Bình Định và Thừa Thiên Huế, 2 mẫu giống vừng tại Quảng Nam và 2 giống đậu tương tại Bình Định và Đăk Lăk). Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh giá sơ bộ, chi tiết và xây dựng cơ sở dữ liệu cho 12 mẫu giống hiện có trong tập đoàn và mới thu thập (6 mẫu giống Jatropha, 2 mẫu giống lạc, 2 mẫu giống vừng, 2 mẫu giống đậu tương) với đầy đủ các chỉ tiêu theo Quyết định số 9796a/QĐ-BCT ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt danh mục tạm thời các chỉ tiêu đánh giá nguồn gen thuộc nhiệm vụ quỹ gen cấp bộ.
Với cả hai nhiệm vụ “Lưu giữ và bảo quản nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu” và “Thu thập đánh giá nguồn gen cây nguyên liệu dầu”, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những nỗ lực của nhóm thực hiện cũng như những kết quả mà hai nhiệm vụ đã đạt được. Hội đồng nhất trí nghiệm thu hai nhiệm vụ do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu chủ trì thực hiện với kết quả xếp loại Đạt.
Nguồn:
https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t4185/luu-giu-va-bao-quan-danh-gia-nguon-gen-cay-nguyen-lieu-dau-va-cay-tinh-dau.html