Chi tiết

Các Viện nghiên cứu ngành Công Thương: Gắn đề tài với thị trường

Ứng dụng hiệu quả vào thực tế
TS. Lê Công Nông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu dầu và Cây có dầu - cho biết, nhờ công tác nghiên cứu khoa học gắn với thực tế sản xuất, nên sau nhiều năm nghiên cứu viện đã chọn lọc, lai tạo được nhiều giống cây có dầu năng suất cao, chất lượng tốt. Những giống này đã góp phần không nhỏ vào việc mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của các cây có dầu. Điển hình như các giống lạc VD01-1 và VD01-2 đang được viện lưu giữ có năng suất từ 3,5 - 4 tấn/ha, hàm lượng dầu từ 50 - 52%. Hay, các giống dừa do viện sản xuất có chất lượng cao (cây khỏe, không sâu bệnh, đúng giống), được bà con nông dân và các đơn vị trồng dừa tin tưởng tiêu thụ.
Nhiều đề tài nghiên cứu của Viện triển khai hiệu quả, đã ứng dụng kết quả nghiên cứu ra sản phẩm thương mại
Minh chứng khác là Công ty Cổ phần Viện máy và Dụng cụ công nghiệp đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công, chuyển giao công nghệ vào sản xuất công nghiệp hơn 100 sản phẩm cơ điện tử phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Điển hình như sản phẩm cơ điện tử trong lĩnh vực máy công cụ gồm máy phay CNC, tiện CNC, máy cắt kim loại tấm CNC, máy hàn lồng thép CNC, máy cắt laser CO2 CNC. Hay, sản phẩm cơ điện tử phục vụ ngành xây dựng và giao thông vận tải như hệ thống các trạm trộn bê tông xi măng từ 30 - 250 m3/h, hệ thống các trạm trộn bê tông đầm lăn RCC từ 120 - 500 m3/h phục vụ thi công các đập thủy lợi, thủy điện…
Tương tự, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã và đang thực hiện nhiều công trình thuộc lĩnh vực công nghệ khai thác lộ thiên, trong đó điển hình là công trình nghiên cứu công nghệ xuống sâu, nạo vét bùn ở các mỏ khai thác dưới mức thoát nước tự chảy, cũng như giải pháp đào sâu đáy mỏ và khai thác chọn lọc cho các mỏ than, khoáng sản; nghiên cứu trình tự khai thác, đổ thải, thoát nước hợp lý cho các mỏ lộ thiên. Kết quả nghiên cứu đã giúp các mỏ giảm tỷ lệ tổn thất, góp phần vào khai thác tận thu tối đa tài nguyên than, khoáng sản, đảm bảo sản lượng theo kế hoạch.
Tăng tiềm lực nghiên cứu
Để nâng cao năng lực KH&CN cho các viện nghiên cứu, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2020 có 6 - 9 phòng thí nghiệm chuyên ngành có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại đạt trình độ khu vực và thế giới. Hiện tại trực thuộc Bộ Công Thương có 3 phòng thí nghiệm trọng điểm được đặt ở các viện nghiên cứu, gồm: Phòng Thí nghiệm trọng điểm Lọc, hóa dầu (Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam); Phòng Thí nghiệm trọng điểm Hàn và Xử lý bề mặt (Viện Nghiên cứu Cơ khí); Phòng Thí nghiệm trọng điểm Điện cao áp (Viện Năng lượng).
Để các phòng thí nghiệm phát huy hiệu quả, hàng năm, Bộ Công Thương đã cấp kinh phí hoạt động thông qua phê duyệt các đề tài, dự án mang tính chất chuyên ngành phù hợp với trang thiết bị, lĩnh vực nghiên cứu. Thông qua đó, các phòng thí nghiệm từng bước xác định những hướng nghiên cứu thế mạnh để hướng tới tạo ra các công nghệ, sản phẩm độc quyền có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đều có chương trình đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho cán bộ khoa học. Ngoài ra, các viện nghiên cứu cũng quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực từ nhiều nguồn vốn và bằng các hình thức khác nhau, có định hướng chuyên môn trọng điểm...
Đội ngũ cán bộ ở các Viện nghiên cứu thuộc ngành Công Thương được đào tạo cơ bản, nhiều người được đào tạo ở các nước phát triển, đáp ứng yêu cầu hoạt động nghiên cứu triển khai của ngành trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn: https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t4884/cac-vien-nghien-cuu-nganh-cong-thuong-gan-de-tai-voi-thi-truong.html?fbclid=IwAR1gEMN2gySfFafHMj9X0o6EU5pD9YAQ6pnKo1PP2rlqetKaCB11BBHZVK0
Go to Top