Chi tiết

Chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2024 và một số định hướng nghiên cứu KHCN đến năm 2030

Chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2024 và một số định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn đến năm 2030 của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu
Những năm qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Trong hơn 10 năm, kể từ khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua (18/5/2013-18/5/2024), Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 hằng năm trở thành dịp để những nhà quản lý, những người làm khoa học và những người say mê sáng tạo cùng nhìn lại một chặng đường đồng hành, sát cánh, từng bước đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) thực sự trở thành động lực, nền tảng của sự vận động và phát triển đất nước; đồng thời, tôn vinh những người làm khoa học cũng như giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi các thành tựu KH, CN&ĐMST.
Là một đơn vị nghiên cứu-triển khai KHCN về lĩnh vực cây có dầu và dầu thực vật tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (IOOP) trong hơn 40 năm hoạt động đã luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ ở 02 nội dung chính: 1) Nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển, định mức kinh tế-kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn ngành chế biến dầu; Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ chế biến dầu và cây có dầu phục vụ sản xuất công nghiệp, các tổ chức, cá nhân có yêu cầu; Hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đầu tư trực tiếp, liên doanh liên kết, dịch vụ khoa học, công nghệ về lĩnh vực chế biến dầu thực vật và cây có dầu với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước; 2) Sản xuất, mua bán các loại sản phẩm dầu thực vật và hương liệu tự nhiên; các chế phẩm sinh học, hóa chất, vật tư kỹ thuật, nhiên liệu thuộc ngành dầu thực vật; Tư vấn đầu tư, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng, vận hành dây chuyền công nghệ, chuyển giao công nghệ chế biến dầu thực vật, công nghệ sinh học, giống sinh vật; các dịch vụ phân tích để từng bước chuyển đổi ngành công nghiệp dầu thực vật của Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và lấy chuyển đổi số làm giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Chính phủ đã đặt ra cho ngành.
Viện đã phát động hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 năm 2024 với chủ đề: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai” với nhiều hoạt động như treo băng rôn, áp phích chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại trụ sở cơ quan từ ngày 10-20/5/2024, triển khai tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam; điểm lại các hoạt động KH, CN&ĐMST năm 2023 - 2024; tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức của Viện thông qua buổi Seminar chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và trao đổi, thảo luận giao lưu khoa học với chủ đề: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”. Tại buổi hội thảo, đại diện các đơn vị nghiên cứu, trung tâm thuộc Viện báo cáo tóm tắt những thành tựu, kết quả nghiên cứu KHCN đạt được trong giai đoạn 2018-2023, cũng như trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong công tác làm nghiên cứu khoa học hiện nay. Năm 2023, Viện thực hiện 07 nhiệm vụ sử dụng nguồn kinh phí từ Ngân sách nhà nước trong đó: 04 nhiệm vụ cấp Bộ Công Thương (02 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2019; 02 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2021); 02 nhiệm vụ quỹ gen; 01 nhiệm vụ cấp địa phương. Hoạt động dịch vụ khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật của Viện đã triển khai thực hiện 36 khảo nghiệm ở phía Nam và 34 khảo nghiệm ở phía Bắc. Về hoạt động hợp tác quốc tế - trao đổi nghiên cứu khoa học, Viện cử cán bộ tham gia Diễn đàn Công nghiệp dừa quốc tế 2023  tổ chức tại Trung Quốc; tiếp đón và làm việc với các chuyên gia của Công ty Eni - Ý về hợp tác sản xuất dầu diesel sinh học; làm việc với đoàn công tác của Ủy ban hợp tác ngành nghề hóa mỹ phẩm Trung Quốc - Asian về hợp tác sản xuất tinh dầu; tham dự 02 hội nghị khoa học theo hình thức trực tuyến tại Malaysia và Philipines. Ngoài ra, trong buổi Hội thảo cũng đưa ra một số định hướng hoạt động KHCN trong năm 2024 và giai đoạn đến năm 2030 trong các lĩnh vực chọn tạo giống cây có dầu - chế biến sản phẩm từ dầu, tinh dầu thực vật để cán bộ nghiên cứu trao đổi, đóng góp ý kiến, đồng thời giao lưu, kết nối, trao đổi kinh nghiệm giữa Ban Lãnh đạo Viện, các đơn vị quản lý, đơn vị chuyên môn.
Kết thúc hội thảo, TS. Lê Công Nông – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu nhắc lại những định hướng nghiên cứu chính của Viện trong giai đoạn đến năm 2030 như sau:
1. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ xanh - sạch và thân thiện với môi trường trong chế biến, tách, chiết hoạt chất sinh hóa dược siêu sạch từ dầu thực vật và cây có dầu, cây tinh dầu.
2. Phát triển các chế phẩm nhiên liệu sinh học tiên tiến bao gồm: nhiên liệu sinh học từ tảo (Algal biofuels); các loại dầu thực vật được xử lý bằng hydro/hydro hóa các ester và acid béo (HEFA); các sản phẩm chất lượng cao được tạo ra với quy mô công nghiệp từ nhân, nuôi mô tế bào.
3. Nghiên cứu tiếp cận, làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp như: công nghệ sinh học (công nghệ gen, công nghệ tế bào và mô phôi, công nghệ enzyme – protein và công nghệ vi sinh), công nghệ nano để chọn tạo giống cây có dầu mới chất lượng cao, quy mô công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
4. Nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ và khai thác hợp lý, có hiệu quả cao các nguồn gen cây có dầu, đặc biệt là nguồn gen đặc hữu của Việt Nam nhằm khai thác và bảo vệ, phát triển đa dạng sinh học.
5. Xây dựng các quy trình chọn, tạo giống và thâm canh cho một số loài cây có dầu chủ lực cho các vùng sinh thái với chất lượng tốt, năng suất cao và bền vững.
6. Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tham gia tư vấn, tham mưu chính sách, cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất dầu thực vật và cây có dầu theo hướng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp các cam kết quốc tế.
Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, TS. Lê Công Nông – Viện trưởng đã thay mặt Chi ủy, Ban Lãnh đạo Viện gửi tới đội ngũ cán bộ nghiên cứu làm công tác khoa học và công nghệ của Viện lời chúc mừng nồng nhiệt, lời chào trân trọng và tình cảm biết ơn sâu sắc./.
Một số hình ảnh:
 
21052024-1.1.jpg
21052024-1.2.jpg
21052024-1.3.jpg
 
Go to Top