Chi tiết

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu tham dự Diễn đàn dừa quốc tế 2023 tại Trung Quốc

- Mục đích chuyến công tác: Tham dự diễn đàn dừa quốc tế 2023 tại đảo Hải Nam – Trung Quốc.
- Cơ quan mời: Ủy ban tổ chức diễn đàn dừa quốc tế Trung Quốc 2023
- Thời gian: từ ngày 11/12 đến 14/12/2023
- Thành phần đoàn: (theo quyết định 3105/QĐ-BCT ngày 29/11/2023)
1. Ông Lê Công Nông – Viện trưởng
I. Tóm tắt hoạt động tại Diễn đàn dừa Quốc tế Trung Quốc 2023 như sau:
Ngày 11/12/2023:
-  Ủy ban tổ chức diễn đàn gặp mặt chiêu đãi các đoàn tham dự diễn đàn.
- Thành phần tham dự diễn đàn bao gồm các nước: Pháp, Đức, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Ấn độ, Cămpuchia, Vanuatu, Srilanka, Papua New Guinea, Ai Cập, Hàn Quốc, Pakistan, Nga, Hong kong, Mỹ, Bangladesh, Myanmar, Ý, Anh, Việt Nam, Cộng đồng dừa Quốc tế (ICC) và gần 200 nhà khoa học, quản lý, sản xuất trong lĩnh vực về cây dừa của các Bộ Nông nghiệp, Hải Quan, các trường đại học, công ty, nhà máy chế biến dừa của Trung Quốc.
Ngày 12/12/2023:
Tham dự phiên Báo cáo toàn thể của diễn đàn, chương trình như sau:
1/ Chủ đề: ICC và những nỗ lực trong mục tiêu phát triển bền vững ngành dừa
Diễn giả: Mridula Kottekate, Trợ lý giám đốc ICC
2/ Chủ đề: Hiện trạng và Chiến lược phát triển của ngành công nghiệp dừa Trung Quốc
Diễn giả: Yang Yaodong, Giáo sư Viện nghiên cứu dừa (CRI-CATAS)
3/ Chủ Đề: Cơ hội và Thách thức trong phát triển ngành công nghiệp dừa tại tỉnh Hải Nam dưới góc nhìn thuế quan
Diễn giả: Xing Qixiang, Giám đốc Hải quan thành phố Hải Khẩu
4/ Chủ đề: Thiết lập quan hệ đối tác bền vững và cạnh tranh với các hộ nông dân quy mô nhỏ trong ngành công nghiệp dừa
Diễn giả: Roshan Perera, Chủ tịch, Viện Dừa Sri Lanka (CRISL)
5/ Chủ đề: Viễn cảnh toàn cầu của ngành công nghiệp dừa
Diễn giả: Alit Pirmansah, Phụ trách Thị trường và Thống kê - Ban thư ký ICC
6/ Chủ đề: Chuỗi giá trị ngành dừa 2023
Diễn giả: Twishsri Wilaiwan, Giáo sư Viện nghiên cứu Rau quả (HRI), Thái Lan
7/ Chủ đề: Vai trò của các doanh nghiệp trong kết nối Kinh tế và thương mại
Diễn giả: Cai Jibo, Chủ tịch SUMEC Group
8/ Chủ đề: Sáng kiến toàn cầu COGENT: Bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng nguồn gen dừa
Diễn giả: Erlene Manohar, Điều phối viên Mạng lưới Tài nguyên di truyền dừa quốc tế (COGENT)
9/ Chủ đề:  Vai trò chính của Trung tâm trao đổi quốc tế về dừa (CIEC) trong tích hợp thông tin và tăng cường giá trị ngành công nghiệp dừa toàn cầu
Diễn giả: Zhang Rusheng, Phó giám đốc, Ban quản lý Thành phố hàng không vũ trụ quốc tế Wenchang
10/ Chủ đề: Hệ thống sản xuất xanh, phục hồi và tái tạo giống dừa
Diễn giả: Edna Aguilar, Giáo sư, Đại học Los Banos, Philipin
11/ Chủ đề: Đổi mới và tiềm năng, cơ hội kinh doanh các sản phẩm chế biến từ dừa
Diễn giả:  Koh Soo Peng, Nghiên cứu viên chính, Trung tâm Khoa học và Công nghệ thực phẩm Bộ Nông nghiệp Malaysia.
12/ Chủ đề: Giới thiệu Dự án sản xuất Khí và than sinh học của Công ty Huajing
Diễn giả: Zhang Pengyuan, Chủ tịch, Công ty TNHH Công nghệ mới Huajing, Hải Nam
Ngày 13/12/2023:
- Thăm cơ sở nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen cây dừa, khu nghiên cứu dừa, thăm các mô hình trồng giống dừa mới, giống cau mới của Viện nghiên cứu dừa Trung Quốc tại đảo Hải Nam.
- Thăm quan nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa của Công ty Chunguang và thăm bảo tàng dừa tại đảo Hải Nam.
Ngày 14/12/2023: 
- Tham quan triễn lãm quốc tế các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới chế biến tại Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế Hải Nam – Trung Quốc.
II. Kết quả đạt được
Diễn đàn ngành dừa quốc tế được tổ chức từ ngày 11 – 14 tháng 12 năm 2023 tại Thành phố Wenchang, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Sự kiện này được tổ chức bởi chính quyền tỉnh Hải Nam và do Sở Nông nghiệp & Nông thôn tỉnh Hải Nam, Chính quyền thành phố Wenchang và Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc đồng phối hợp tổ chức.
Chủ đề của diễn đàn là “Khơi dậy sự đổi mới hợp tác Khoa học và Công nghệ trong ngành dừa toàn cầu để khởi động chuỗi giá trị toàn cầu”. Các chuyên gia về dừa từ cộng đồng toàn cầu trong phạm vi các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học và ngành dừa sẽ được mời tham dự và trình bày báo cáo tại diễn đàn này.
Diễn đàn ngành dừa quốc tế nhằm mục đích thúc đẩy trao đổi kiến thức và hợp tác trên nhiều khía cạnh khác nhau của ngành dừa toàn cầu, bao gồm trồng, sản xuất, chế biến và thương mại hoá các sản phẩm chế biến từ dừa, đổi mới công nghệ, các chính sách phát triển, v.v. Diễn đàn này cũng tìm cách tăng cường liên minh dừa toàn cầu, mở rộng chuỗi giá trị của ngành dừa và thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của ngành dừa. Về cơ bản, diễn đàn này cũng sẽ đóng góp đáng kể cho các mục tiêu của Liên hợp quốc về giảm bớt nạn đói và giảm nghèo.
Các báo cáo tập trung trình bày các thành tựu về nghiên cứu giống, kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật, chế biến các sản phẩm từ dừa. Đồng thời nêu lên thực trạng về xuất nhập khẩu các sản phẩm chưa qua chế biến và đã được chế biến từ dừa của các nước trong khu vực và trên thế giời, cũng như tiềm năng và triển vọng hợp tác với nhau trong khu vực và trên thế giới.
Hiện tại, ngành dừa Trung Quốc còn non trẻ hơn so với Việt Nam đa số dừa được trồng từ những năm 2000 trở lại nay, diện tích sản xuất chưa nhiều riêng đảo Hải Nam có khoảng 37.900 ha dừa, sản lượng khoảng 220 triệu quả/năm, có khoảng 300 nhà máy chế biến dừa. Cây dừa được trồng mật độ dày hơn ở Việt Nam (300-350 cây/ha) và trồng hai bên đường phố rất đều và đẹp để tạo cảng quan đẹp phục vụ du lịch và thu hoạch quả phục vụ cho chế biến và tạo một điểm nhấn khá tốt cho du khách khi đến thăm đảo Hải Nam. Tuy nhiên năng suất dừa so với Việt Nam thì chưa cao, tỷ lệ đậu quả thấp hơn do thời tiết lạnh hơn Việt Nam, các giống dừa cũng có 2 nhóm chính là uống nước và chế biến như ở nước ta, một số giống dừa cũng nhập khẩu từ Thái Lan (dừa dứa) hoặc lùn vàng mã lai (Malaixia) và dừa dâu (Việt Nam).
Hiện nay, theo báo cáo của các công ty, nhà máy chế biến Trung Quốc đã và đang nhập khẩu dừa quả từ Việt Nam và Indonesia để phục vụ cho các nhà máy chế biến do sản lượng trong nước không đủ cung cấp cho các nhà máy, sản phẩm chế biến từ dừa của Trung Quốc có trên 200 loại sản phẩm khác nhau, nhiều sản phẩm tương tự như của Việt Nam, tuy nhiên mẫu mã, bao bì, chất lượng có phần vượt trội hơn của Việt Nam do họ đầu tư khá bài bản trong khâu chế biến từ máy móc thiết bị, nhà xưởng, công nghệ, vệ sinh an toàn thực phẩm và tự động hoá hoàn toàn. Sản phẩm chế biến dừa của họ được xuất khẩu đến rất nhiều nước trên thế giới (chấu Á, Châu Âu, châu Mỹ, châu Phi…) và kể cả các nước trồng dừa trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… ngoại trừ không có xuất khẩu sang Việt nam.
III. Đề xuất hợp tác với Viện Nghiên cứu Dừa Trung Quốc 
Trong quá trình làm việc và trao đổi với phía bạn, tôi đã đề xuất một số nội dung hợp tác giữa 2 Viện về một số nội dung sau:
- Trao đổi nguồn gen cây có dầu:  Dừa và một số loại cây tinh dầu khác.
- Trao đổi thông tin, hợp tác về kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao và an toàn thực phẩm, kỹ thuật mới cho cây dừa.
- Trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực chọn tạo giống dừa giữa hai Viện.
- Trao đổi và chia sẽ kinh nghiệm trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân sản xuất dừa ở mỗi nước nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất cây dừa ở mỗi nước.
-  Đào tạo cán bộ Việt Nam ngắn hạn và dài hạn (Thạc sỹ, tiến sỹ) tại Viện Nghiên cứu Dừa Trung Quốc.
IV. Đánh giá chung
Qua chuyến công tác, tôi đã học tập nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu, phát triển và chế biến các sản phẩm từ cây dừa của Trung Quốc, các nước trong khu vực cũng như định hướng nghiên cứu cải tiến giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Chúng tôi cũng đã đề xuất một biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với Viện Nghiên cứu Dừa Trung Quốc phía bạn đã ghi nhận các đề xuất hợp tác của Viện và đề nghị tiếp tục thảo luận để thống nhất nội dung hợp tác và đề xuất lên Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới   Trung Quốc xem xét, quyết định.
Kết quả chuyến công tác đã đạt được kết quả tốt theo như nội dung và mục tiêu đặt ra, mở ra một triển vọng hợp tác về nghiên cứu và phát triển cây dừa giữa hai nước góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến dừa ở nước ta./.
* Một số hình ảnh:
28122023-2.1.jpg
28122023-2.2.jpg
 
Go to Top